Tái diễn tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:07 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng học sinh nghỉ học không lý do vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương. Cứ sau Tết, các lớp học lại vắng bóng học sinh, có lớp chỉ còn một nửa sĩ số.

Tổng điều tra dân số trên quy mô cả nước công bố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ trẻ đi học ở cấp tiểu học ở nước ta là 101%, số trẻ đi học tiểu học nhiều hơn số trẻ thực tế ở độ tuổi tiểu học. Đó có thể là các em đi học sớm hơn hoặc muộn hơn. Còn ở cấp trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ đến trường là gần 93% và trung học phổ thông là hơn 72%. Đây là số liệu thống kê mới nhất cho đến thời điểm này, bởi cuộc tổng điều tra dân số 10 năm mới thực hiện một lần.

So với kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, những con số này đã có sự cải thiện đáng kể. Năm 2009, các con số này lần lượt là 103% (Tiểu học), 63% (THCS) và 57% (THPT). Những con số này cho thấy, những chính sách khuyến khích trẻ em đến trường ở nước ta đã đạt được những hiệu quả nhất định, đảm bảo quyền được học tập cho trẻ theo đúng Luật Trẻ em.

Việc đi học không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi. Nhưng thực tế, để chính mỗi học sinh, mỗi phụ huynh nhận thức được điều này là điều không dễ dàng. Tình trạng học sinh nghỉ học không lý do vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương.

Ví dụ như tại huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cứ sau Tết Nguyên đán lại có tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài. Tại Trường TH&THCS dân tộc bán trú xã Trà Lâm, nhiều lớp sĩ số chỉ còn được một nửa. 

Tái diễn tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài - Ảnh 1.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS số 1 Hương Trà. Các lớp học thường xuyên vắng học sinh dù nhà trường liên tục tuyên truyền, vận động các em đi học trở lại.

Tái diễn tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài - Ảnh 2.

Cũng theo kết quả tổng điều tra dân số, tỷ lệ trẻ không đi học ở miền núi cao hơn hẳn so với thành thị. Nguyên nhân chính là do đời sống tại các khu vực này còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh phải bỏ học để đi làm, giúp đỡ gia đình.

Ở mỗi địa phương, những người làm công tác giáo dục, những cán bộ làm công tác trẻ em cũng đang nỗ lực để thay đổi nhận thức của người dân trong việc cho con em đến trường. Họ là những người góp công sức không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục mà nước ta đã đề ra trong nhiều năm qua.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước