Thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) dự định trình Thủ tướng phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm.
Hiện nay, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó trường ĐH sư phạm gồm 6 trường, 5 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, 2 trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao và Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật TW; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường Cao đẳng Sư phạm ở các địa phương; 19 trường Cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường Trung cấp Sư phạm.
Dự thảo đề án đánh giá, mỗi tỉnh, thành có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên, hệ quả của việc nhiều cơ sở đào tạo dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Những năm qua, không chỉ nhiều trường sư phạm được mở ra, những trường không phải sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng cũng nâng lên đại học Sư phạm. Đáng nói là nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình và yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Sâu xa hơn là những tiêu cực về tuyển dụng ngành giáo dục - sư phạm có nguy cơ tiềm ẩn nhiều hơn khi số lượng giáo viên tăng cao nhưng cơ hội việc làm thì có giới hạn nhất định.
Theo đề án, sẽ thực hiện quy hoạch chỉ giữ lại một số trường ĐH Sư phạm trọng điểm và trung tâm, các cơ sở đào tạo giáo viên khác sẽ chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm này. Tiến hành giảm số lượng trường sư phạm ở địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo quy mô đào tạo được xác định hợp lý, hiệu quả. Giải thể trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo giáo viên ở các trường trung cấp đa ngành khác. Các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên và chấm dứt nhiệm vụ đào tạo giáo viên trước 2025.
Cũng theo đề án, vào giai đoạn 2025 - 2030 sẽ hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường chủ chốt và trượng về tinh, dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên. Theo bản dự thảo này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 đến 8 trường chủ chốt.
Về đề án này, nhiều chuyên gia nhận định, bằng cách tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước, sẽ hình thành được mạng lưới các trường trọng điểm và chủ chốt, đủ năng lực đào tạo và đáp ứng nhu cầu giáo viên chất lượng trong giai đoạn hiện nay. Đề án cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm, khăc sphucj tình trạng giáo viên không đảm bảo chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!