Những cái "giật mình" trong ngành sư phạm tuần qua

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 03/11/2018 13:09 GMT+7

VTV.vn - Sinh viên ngành sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học, học sinh bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô trên Facebook là những vấn đề được dư luận quan tâm tuần qua.

Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" trước nội dung về việc sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học được quy định trong Dự thảo quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, do Bộ GDĐT soạn thảo.

Một số ý kiến tin rằng, quan điểm của người soạn thảo chắc là hướng tới sự nhân văn, cho các em sa ngã cơ hội để sửa chữa nhưng số đông khác cho rằng, quy định này là dung túng và hài hước, nhất là dành cho các thầy cô giáo của tương lai. Sau chưa đầy 24 tiếng xuất hiện thông tin và tranh luận, câu chuyện ngã ngũ bởi đó chỉ là lỗi của... người soạn thảo.

Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về quy định nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên được quy định từ năm 2007 trong quy định về sinh viên. Sau đó, đầu năm 2016 lại có thông tư. Thực tế, quy định này đã có. Khi rà soát, chúng tôi đề nghị tất cả những nội dung không còn phù hợp phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này. 

Vấn đề đặt ra là khi sửa, Ban soạn thảo đặc biệt cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến có những ý kiến của xã hội. Khi nhận được thông tin, tôi chỉ đạo báo cáo và xử lý ngay. Quan điểm của tôi, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, không cần phải đưa vào thông tư này. Đây là phạm vi xã hội nên phải xử lý và những nội dung này không đưa vào thông tư nữa”.

Dạy nhầm, viết nhầm là điều tối kị nhất trong nghề giáo bởi giáo dục là sự chuẩn mực và đúng với cả những người làm quản lý trong lĩnh vực này. Nếu có một danh sách những nghề nguy hiểm thì nghề giáo cũng xứng đáng có tên trong đó bởi nghề này phải đối mặt với cả người lớn và người chưa lớn. Cách ứng xử với người chưa lớn lại phức tạp và cần chữ nhẫn hơn rất nhiều.

Tuần qua, giáo viên, phụ huynh, dư luận xã hội đã có nhiều tranh luận xoay quanh vụ việc 7 em học sinh bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội. Trong vụ việc này, có người cho rằng, giáo viên tự ý đọc điện thoại của học sinh, đó là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Có người lại nghi ngờ ranh giới giữa nói xấu và nói thẳng, giữa bôi nhọ và góp ý vì cũng chưa có một đoạn chat nào của 48 em học sinh lớp 10 kia được đăng tải lên mặt báo. Một số người tin rằng, việc đình chỉ học chỉ thể hiện sự bất lực của các thầy cô, đẩy học sinh hư ra một môi trường dễ hư hơn.

Nếu để có một hình dung về môi trường giáo dục hiện nay thì hình ảnh một chiếc kiềng nhưng chỉ có hai chân có lẽ sẽ phù hợp. Hình tượng kiềng hai chân là dành cho học sinh và giáo viên. và thứ còn thiếu chính là gia đình. Sự đứt gãy trong mối quan hệ ba bên lại ngày càng rõ hơn trong một xã hội còn đang mải chạy theo đồng tiền.

Một chiếc kiềng hai chân nhưng lại gồng gánh quá nhiều áp lực từ yêu cầu về nhân cách cho đến học thức. Một con số đáng báo động cũng được đưa ra trong tuần qua đó là, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ, có 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam có các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý, tâm thần và áp lực trường lớp là một trong những nguyên nhân chính. Vậy cha mẹ ở đâu trong những tình huống này? Là người đỡ cho con đứng dậy, hay lại chính người đè khiến con nặng hơn?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước