Tân Phó Giáo sư có nhiều công bố quốc tế nhất về động vật hoang dã

Theo VOV-Thứ sáu, ngày 23/02/2018 06:00 GMT+7

Nhà khoa học Nguyễn Quảng Trường là tân PGS có nhiều công bố khoa học trên tạp chí quốc tế nhất năm 2017.

VTV.vn - Tân Phó Giáo sư Nguyễn Quảng Trường là người có nhiều công bố quốc tế nhiều nhất về sự sống, những điều mới lạ về động vật hoang dã, các loài bò sát...

Trong số các các nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều bài báo, công trình được đăng, trích dẫn trên các tạp chí quốc tế uy tín nhiều nhất năm 2017 phải kể đến Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường (sinh năm 1975), Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật. Anh vừa được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư (PGS) năm 2017.

Tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (tháng 9/2018), anh Quảng Trường đã có 160 công trình đăng trên tạp chí quốc tế. Còn tính từ khi làm công tác nghiên cứu khoa cho đến nay, anh Quảng Trường có khoảng 250 bài báo, công trình được đăng, trích dẫn lại nhiều lần trên các tạp chí uy tín của quốc tế.

Tất cả những công trình Tiến sĩ Quảng Trường nghiên cứu đều về động vật hoang dã và các loài bò sát với những khám phá, phát hiện mới. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu về sinh thái học và bảo tồn các loài động vật quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Tính đến nay, anh và các đồng nghiệp đã công bố 83 loài động vật mới và 3 giống mới cho nghiên cứu khoa học.

Một trong những công trình mà anh Quảng Trường đặc biệt dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu được quốc tế công nhận là về rùa Hồ Gươm.

Từ năm 2001-2013, trong quá trình xem xét các mẫu vật, làm sinh học phân tử và giám định ADN, nhà khoa học Nguyễn Quảng Trường nhận thấy, rùa Hồ Gươm không phải là loài mới. Công trình nghiên cứu của anh đã phản biện lại một số nghiên cứu trước đó coi rùa Hồ Gươm là loài mới.

Với sự tìm tòi có nhiều điểm mới lạ, phản biện khoa học, công trình nghiên cứu về rùa Hồ Gươm của anh Quảng Trường được nhiều tạp chí quốc tế uy tín công nhận và trích dẫn.

Luôn muốn khám phá điều mới lạ về các loài động vật

Tốt nghiệp khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1997, sau đó, anh Nguyễn Quảng Trường về Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật làm việc. Cho đến năm 2007, anh học nghiên cứu sinh theo chương trình học bổng của CHLB Đức. Đến năm 2011, anh Trường trở về Việt Nam tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật.

Được sự dìu dắt, hướng dẫn từ các thầy cô giáo của Viện, Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường đã đi đến nhiều khu vực, rừng núi của Việt Nam mà những nhà khoa học chưa từng đặt chân đến. Chính vì vậy, anh Trường đã khám phá được nhiều loài động vật bò sát mới.

Khi đi tìm hiểu các loài động vật mới, nhà khoa học Quảng Trường càng cảm thấy rất nhiều điều thú vị nên từ năm 2000, anh đã công bố các công trình nghiên cứu của mình trên các tạp chí của Việt Nam.

Dưới sự khuyến khích của các chuyên gia nước ngoài, anh cũng đã có bài báo đầu tiên được công bố trên tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh. Đến năm 2005 trở lại đây, tần suất các công trình nghiên cứu được công bố quốc tế của anh Trường tăng dần lên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, một nhà khoa học có được nhiều công trình đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới là khẳng định chuyên môn của mình nên việc kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ cho việc phát triển khoa học sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Đam mê nghiên cứu về các loài động vật, nhà khoa học Quảng Trường thường xuyên xa nhà đến khu vực rừng núi. Những chuyến đi kéo dài từ 1 tuần đến 2 tháng. Anh Trường nhớ nhất là năm 2011, trong chuyến công tác với đoàn nhà khoa học Mỹ, anh đã ở trong rừng 54 ngày. Tất cả mọi sinh hoạt, ăn uống đều đều ở trong rừng và dựa vào những tấm lều bạt được căng ra để che mưa nắng. Có những hôm đoàn công tác phải đi bộ cả 1 ngày đến chỗ cắm trại.

Tiến sĩ Quảng Trường cho biết, đối với những nhà khoa học nghiên cứu về các loài động vật sẽ gặp nhiều thử thách vì ở trong rừng có nhiều rắn độc, thiên tai có thể đến với bản thân bất cứ lúc nào. Vì có thể hôm nay đặt lều bạt ở nơi gần con suối để tiện cho việc sinh hoạt, đun nấu nhưng bất thình lình có thể lũ từ đâu kéo đến, nếu chạy không kịp thì rất nguy hiểm.

Biết là công việc nghiên cứu khoa học nhiều lúc rất vất vả, nguy hiểm nhưng mỗi khi phát hiện ra những loài động vật mới với những nét đặc trưng riêng là nhà khoa học trẻ Nguyễn Quảng Trường lại cảm thấy rất vui mừng.

Có chuyến công tác đi đến đỉnh núi Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam trong tiết trời mưa rét cả chục ngày mà cả đoàn chưa phát hiện có điều gì mới ở các loài động vật. Nhưng đến cuối chuyến đi, anh Quảng Trường bất ngờ thu được mẫu của vài con thằn lằn bé xíu. Sau khi đem về phòng thí nghiệm nghiên cứu, anh phát hiện ra đây là loài mới thì niềm vui như vỡ òa...

Tân PGS trẻ Nguyễn Quảng Trường cho biết, nghiên cứu khoa học là phải có những khám phá, phát hiện mới cho nhân loại và phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chân trời tri thức khoa học mãi là những gì đó vô bờ, thôi thúc anh Quảng Trường luôn muốn khám phá, tìm hiểu. Với ý nghĩ như vậy, anh vẫn đang miệt mài, đeo đuổi niềm đam mê phát hiện những điều mới lạ, sự sống kỳ diệu của các loài động vật hoang dã từ núi rừng thiên nhiên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước