Việc thực hiện đề án còn lãng phí
Theo đánh giá của Bộ GD - ĐT, việc bố trí và sử dụng kinh phí của Đề án thời gian qua còn một số bất cập. Cụ thể, kinh phí triển khai Đề án như sau:
Giai đoạn 2008 - 2010: Kinh phí dự kiến bố trí là 1.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới tiến độ Đề án nên trong giai đoạn này, Bộ Tài chính chưa cấp kinh phí để triển khai.
Giai đoạn 2011-2015: Tổng kinh phí dự kiến của giai đoạn này là 4.386 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 3.500 tỷ đồng và vốn địa phương là 886 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước khó khăn nên vốn Trung ương phân bổ trong giai đoạn này là 2.198 tỷ đồng, chỉ đạt 62,8% so với kế hoạch.
Giai đoạn 2011 - 2015: Dự toán kinh phí địa phương trong giai đoạn này là 889 tỷ đồng, tuy nhiên, các địa phương đã huy động và bố trí kinh phí đối ứng đạt 1.628,5 tỷ đồng, bằng 183% dự toán kế hoạch vốn địa phương.
Việc triển khai đề án Ngoại ngữ 2020 còn nhiều lãng phí trong mua sắm trang thiết bị
Tổng kết lại, Bộ GD - ĐT cho rằng, kế hoạch phân bổ kinh phí cho các địa phương, đơn vị còn khá dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và chưa quan tâm đầy đủ đến các vùng, miền còn khó khăn. Nhiều địa phương khi triển khai kinh phí chỉ tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn lãng phí.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Đề án, một số mục tiêu được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.
Tập trung đào tạo tiếng Anh
Trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT cho biết, sẽ tiếp tục triển khai Đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Bộ sẽ rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi như các phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ, cộng đồng học tập ngoại ngữ... để hỗ trợ việc dạy và học, tạo động cơ học tập ngoại ngữ của thế hệ trẻ Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!