Trong năm vừa qua, gần 200 trường của tỉnh Điện Biên phải chuyển sang học trực tuyến do dịch COVID-19. Đối với các trường học ở vùng sâu vùng xa thì học trực tuyến vô cùng khó khăn bởi ngay ở một số đô thị, việc học trực tuyến đã không dễ dàng gì thì ở nơi xa xôi, hẻo lánh khó khăn còn gấp nhiều lần.
Điểm trường Ngối Cáy phải đóng cửa dù đang là thời điểm sắp thi học kỳ 1. Thầy giáo duy nhất phải đi cách ly vì COVID-19. Trường đóng cửa, sợi dây nối những đứa trẻ ở Nậm Cứm với tri thức càng trở nên mong manh.
Ở nơi chỉ có 64 hộ dân, tất cả đều là hộ nghèo, sóng điện thoại chập chờn thì việc học từ xa là chuyện xa vời. Duy trì nề nếp học tập cho các em khó như con đường dốc quanh co để lên đến bản làng này.
Vào chiều tối mỗi ngày, chờ cho trưởng bản Nậm Cứm đi nương về, thầy Lò Văn Tủa gọi điện thoại trao đổi, nhờ anh thông báo bài tập cần ôn cho 21 học sinh của mình. Đó là cách duy nhất để thầy Tủa kết nối với học sinh, để các em không quên con chữ.
Việc học vẫn chưa phải là mối quan tâm của hầu hết các gia đình nơi đây. Dính may mắn hơn nhiều bạn khác của lớp khi có anh trai kèm cặp thêm vào buổi tối.
''Hàng ngày em nghe loa trưởng bản em làm theo, dạy giúp em học bài. Một ngày em chỉ dạy em gái 15 phút, em quên rất nhiều chữ'', em Mùa A Chúa, bản Nậm Cứm cho biết.
Sau thời gian cách ly, hôm nay thầy Tủa trở lại trường. Quãng đường dài hơn 20 cây số, vượt qua nhiều đồi núi và lắm gập ghềnh. Thầy Tủa phải đi từ sớm, khi sương chưa kịp tan để đến từng nhà gọi học sinh đến lớp. 10 năm đi dạy học ở vùng núi cao, anh biết, sau chừng đó ngày nghỉ ở nhà thì thật khó để học sinh tự giác đến trường. Lớp học ghép duy nhất vì thế vẫn còn nhiều chỗ trống.
Thầy giáo Lò Văn Tủa chia sẻ: ''Ngoài công việc làm công ăn lương để nuôi sống gia đình, tôi muốn mang sự hiểu biết của mình truyền đạt những gì mình biết cho các em để sau này tương lai của các em sẽ thoát khỏi những khó khăn, nghèo khó mà vươn lên''.
Không chỉ có thầy giáo Tủa, mà với các giáo viên đang dạy học ở vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, việc bám bản, bám làng giống như một duyên nợ của những người đã chọn nghiệp trồng người. Khó khăn là thế nhưng tình cảm mộc mạc chân thành của phụ huynh và học sinh nơi vùng cao chính là động lực để họ tận tụy và cống hiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!