“Thi Giao thông học đường là tự nguyện, cuộc thi không mang tính hình thức hoặc thành tích”

Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 10/01/2019 18:41 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Đây là chia sẻ của ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi Giao thông học đường.

Ngày 10/1, tại trụ sở Bộ GD&ĐT, Ban tổ chức đã có buổi gặp mặt báo chi giải đáp thông tin về cuộc thi Giao thông học đường mùa thứ 4. Cuộc thi do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Egroup phối hợp tổ chức. Đối tượng dự thi là tất cả học sinh khối THCS và THPT trên toàn quốc.

Cuộc thi Giao thông học đường lần thứ 4 được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 7/1/2019 đến tháng 5/2019 với 3 vòng thi. Vòng thi cấp trường từ ngày 7/1/2019 đến 29/3/2019. Vòng thi cấp tỉnh từ 15/4/2019 đến 24/4/2019. Vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2019.

Theo BTC, Cuộc thi Giao thông học đường góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho các em học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi.

“Thi Giao thông học đường là tự nguyện, cuộc thi không mang tính hình thức hoặc thành tích” - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi

"Chúng tôi hướng tới chất lượng, phải thực chất thay vì chỉ tổ chức cuộc thi mang tính hình thức. Mục đích của cuộc thi là nâng cao nhận thức của học sinh về luật giao thông. Với hình thức thi online, đề thi sinh động, cuộc thi là một sân chơi thú vị để học sinh giải phóng năng lượng, ‘thay đổi không khí’ và từ đó học tập trên lớp tốt hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về cuộc thi tới các nhà trường tuy nhiên việc dự thi là do học sinh tự nguyện", ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi Giao thông học đường nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Trưởng ban tổ chức cuộc thi - khẳng định: "Chính học sinh, phụ huynh sẽ đánh giá cuộc thi có hữu ích hay không và quyết định tham gia hay không".

"Cuộc thi còn có Fanpage, forum để các thí sinh tham gia trao đổi, chia sẻ và giao lưu gắn kết hơn. Ngoài ra, nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa diễn ra tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ. Có những bạn từng tham gia, đạt giải và bước lên ngưỡng cửa đại học vẫn tiếp tục sinh hoạt trong forum với nhiều kỷ niệm đẹp và kêu gọi nhiều bạn học sinh khác tham gia cuộc thi", ông Dũng cho biết thêm.

Chia sẻ về số lượng thí sinh tự nguyện đăng ký tham gia, ông Dũng cũng khẳng định, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký là có căn cứ do các thí sinh khi tham gia phải đăng ký và đăng nhập thông tin khá chi tiết. Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 5 địa phương có số lượng thí sinh tham dự đông nhất. Trưởng BTC cuộc thi cũng khẳng định, website của cuộc thi được thiết kế để cho phép 20.000 tài khoản truy cập cùng lúc nên không có tình trạng quá tải.

“Thi Giao thông học đường là tự nguyện, cuộc thi không mang tính hình thức hoặc thành tích” - Ảnh 2.

Đại diện BTC giải đáp thắc mắc về cuộc thi Giao thông học đường.

Đại diện BTC cũng kỳ vọng, trong các kỳ tới, cuộc thi Giao thông học đường sẽ được truyền hình trực tiếp và thi hỏi-đáp dạng như Đường lên đỉnh Olympia để tạo ra sự hấp dẫn cũng như mang đến sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tới các em học sinh.

Giao thông học đường là cuộc thi được tổ chức thường niên, mang ý nghĩa giáo dục thực tiễn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đến nay, cuộc thi đã tổ chức qua 3 mùa giải kể từ năm 2014. Lần đầu tiên, cuộc thi Giao thông học đường đã thu hút hơn 200.000 thí sinh THPT trên toàn quốc. Lần thứ 2, cuộc thi thu hút hơn 600.000 thí sinh là học sinh THCS, THPT.

Lần thứ 3 vừa qua, theo thống kê trên hệ thống mà BTC công bố, cuộc thi thu hút 1.057.995 thí sinh là học sinh THCS, THPT tham gia, tăng gấp 5 lần so với mùa đầu tiên. Dự kiến, ở cuộc thi mùa thứ 4 này, số lượng thí sinh sẽ tiếp tục tăng cao, vượt qua mốc 1 triệu thí sinh của mùa 3.

Cuộc thi Giao thông học đường được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm trên Internet và đối tượng dự thi là tất cả học sinh khối THCS và THPT trên toàn quốc.

Đề thi Cuộc thi Giao thông học đường được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú, trong đó có hơn 1.000 câu hỏi về luật giao thông đường bộ, 600 câu hỏi về văn hóa giao thông và gần 200 câu hỏi tình huống dạng video 3D… Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung.

Bộ câu hỏi được thẩm định nghiêm ngặt bởi Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1.

Thí sinh tạo tài khoản và dự thi online trên website http://giaothonghocduong.com.vn. Mỗi thí sinh chỉ tạo duy nhất 1 tài khoản dự thi.

Hơn 1 triệu học sinh THCS, THPT tham gia cuộc thi Giao thông học đường Hơn 1 triệu học sinh THCS, THPT tham gia cuộc thi Giao thông học đường

VTV.vn - Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Giao thông học đường đã thu hút hơn 1 triệu thí sinh là học sinh THCS, THPT tham gia và dự kiến năm nay sẽ còn tăng cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước