Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Giáo dục

PV-Thứ sáu, ngày 19/06/2020 17:12 GMT+7

Ảnh minh họa: Các thí sinh làm thủ tục thi THPT Quốc gia năm 2019.

VTV.vn - ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thành công nếu địa phương thực hiện nghiêm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành liên quan.

Nhìn nhận về kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) nhận định, việc giao kỳ thi về cho địa phương là phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Việc giao quyền nhiều hơn cho địa phương trong tổ chức thi kèm theo trách nhiệm của địa phương với kỳ thi cũng phải được nâng cao. Phương án thi năm nay cũng hướng về lợi ích thí sinh.

Tổ chức thi ở địa phương nên học sinh không phải đi xa. Điều này không chỉ tạo tâm thế tốt cho học sinh vì được dự thi ở môi trường quen thuộc, giảm áp lực, mà còn giúp tiết kiệm nhiều cho xã hội. Đề thi được Bộ GD&ĐT khẳng định bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; Phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19; không đánh đố học sinh; Độ khó của đề thi sẽ giảm để phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy - học; Mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp.

Cũng theo đại biểu từng 10 năm công tác trong ngành Giáo dục, Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT quy định chặt chẽ các bước để bảo đảm kỳ thi khách quan, trung thực. Như, đổi chéo giữa các trường trong tỉnh; Trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng một trường phổ thông; Mỗi phòng thi bảo đảm bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau.

Tất cả thành phần trong điểm thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi nếu có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm tổ chức thi. Quy định về bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi cũng rõ ràng, chặt chẽ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ công bố công khai kết quả học tập của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT; Phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Giáo dục - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nhìn nhận về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Báo GD&TĐ

Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi. Theo đó, ngoài đoàn thanh tra của Bộ, sở GD&ĐT, sẽ tổ chức các đoàn do thanh tra tỉnh chủ trì để thanh tra, kiểm tra tất cả khâu của kỳ thi. Quy chế thi cũng xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kỳ thi cùng với các chế tài xử lý nghiêm túc.

"Kỳ thi năm nay có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ trong Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia năm 2020 với vai trò hướng dẫn thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra thi; đề xuất xử lý sai phạm trong quá trình tổ chức (nếu có).

Nếu địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành liên quan cùng tham gia trong tổ chức kỳ thi; Làm nghiêm túc khâu lựa chọn nhân sự; Những người tham gia vào kỳ thi vững nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh; Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm…; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tôi tin rằng chúng ta sẽ tổ chức thành công kỳ thi này", đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước