Thoát lối mòn trong dạy học Chương trình mới

Hoài Thương-Thứ năm, ngày 23/11/2023 08:00 GMT+7

VTV.vn - Để những tiết dạy học sinh không buồn ngủ, không ngồi thụ động là nỗ lực thoát lối mòn của nhiều giáo viên dạy Chương trình mới.

Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra cho các giáo viên thách thức về thay đổi phương pháp giảng dạy, tự làm mới mình, thoát khỏi những cách dạy truyền thống. Chương trình mới, sách giáo khoa mới thì chắc chắn cách dạy và học cũng phải mới. Không những thế cả hình thức kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi theo để phù hợp với cách đánh giá mới.

Làm mới tiết dạy, làm mới cách đánh giá học sinh

"Địa lí cô Uyên" trở thành cách gọi quen thuộc của học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, thể hiện "thương hiệu" trong giảng dạy môn Địa lí hấp dẫn khó trộn lẫn của cô giáo Lê Thị Uyên. Bởi đó cũng chính là tên của trang web mà cô giáo này đã lập ra để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp và giúp các em học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.

Thoát lối mòn trong dạy học Chương trình mới - Ảnh 1.

Địa lí cô Uyên là nơi chia sẻ các kiến thức về bài giảng tiết Địa lý theo Chương trình GDPT mới 2018.

Cô giáo Lê Thị Uyên chia sẻ, "những kênh trên mạng xã hội như fanpage hoặc youtube thì nó giúp tôi đến gần với học sinh cả nước hơn và gần với giáo viên cả nước hơn. Vì thông qua trang địa lý của tôi, có nhiều giáo viên cả nước đã theo dõi và chia sẻ thông tin trên đó. Nhờ đó mà mình cũng được mở mang kiến thức hơn".

Thoát lối mòn trong dạy học Chương trình mới - Ảnh 2.

Tiết dạy Địa lý lớp 11 của cô giáo Lê Thị Uyên, Trường THPT Nguyễn Thiệt Thuật, Hưng Yên.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cho biết, khi mà có chương trình đổi mới chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng khi bắt tay vào làm việc chúng tôi thấy các cô hăng say làm việc, hăng say học hỏi. Và thời điểm này, mọi thứ đã dần quen với nếp dạy mới, linh hoạt và sáng tạo hơn.

Thoát ra khỏi lối mòn trong giảng dạy, đồng nghĩa với việc thiết kế hình thức kiểm tra đánh giá học sinh cũng sẽ thay đổi sao cho phù hợp. Nhiều thay đổi đã được áp dụng ngay từ năm học này, đặc biệt đối với các cấp học đã và đang triển khai chương trình 2018. Đợt kiểm tra giữa học kỳ năm học 2023-2024 vừa qua ghi nhận những đổi mới đáng kể trong đề Ngữ văn bậc THCS ở nhiều địa phương.

Như bài kiểm tra giữa kỳ một của giáo viên môn ngữ văn Vũ Thị Xuân Khang, trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Cô giáo chia sẻ với học sinh là cô rất tự hào vì đây là bài kiểm tra đã ghi nhận được sự sáng tạo, sự chăm chỉ cần cù, cố gắng của học sinh. Học sinh đã sử dụng nhiều ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, rất hay và thú vị. 42 bài kiểm tra đã thể hiện những màu sắc cá nhân, không bài nào giống bài nào.

Thoát lối mòn trong dạy học Chương trình mới - Ảnh 3.

Cô giáo môn ngữ văn Vũ Thị Xuân Khang, trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đang chữa bài kiểm tra cho học sinh.


Em Nguyễn Trần Cẩm Ly học sinh trường THCS Trung Hòa chia sẻ, em cảm thấy rất vui khi thầy cô chọn những văn bản ngoài sách giáo khoa để đưa vào đề thi môn ngữ văn. Học sinh có thể sáng tạo thỏa thích với đề văn đó.

Sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá kĩ năng viết của học sinh ngay từ bậc THCS là yêu cầu khó, nhưng không thể không thực hiện vì mục tiêu chống văn mẫu, hướng đến phát triển năng lực sáng tạo của học sinh. Sáng tạo được hiểu theo nghĩa là học sinh diễn đạt bằng ngôn ngữ của chính mình, như cách mình hiểu - dù cách cách hiểu có thể còn ngô nghê, cách diễn đạt còn vụng về.

Việc đưa văn bản ngoài sách giáo khoa vào đề thi ngữ văn chỉ bắt buộc với các khối lớp đã học theo chương trình phổ thông mới lớp 6, 7 và lớp 10 tuy nhiên hầu hết các nhà trường đều đã chủ động triển khai ngay nội dung này ở các lớp còn lại. Cô Bùi Thị Kim Huế giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Trung Hòa, Cầu giấy, Hà Nội chia sẻ thêm, "Khối 6, 7 làm quen ngay từ đầu, còn khối 8, 9 thì cũng còn bỡ ngỡ vì còn quen với phương pháp cũ, nhưng chúng tôi thay đổi dần, cho các con tiếp cận dân và các cô dạy rất kỹ chủ yếu dạy phương pháp cách làm chứ không dạy theo lối mòn cũ xưa là đọc chép như trước".

Dạy học không bám sách giáo khoa

Ngày càng nhiều quốc gia, trường học quốc tế hạn chế dần sử dụng sách giáo khoa vì tuổi thọ ngắn ngủi của những kiến thức "cứng" in trong sách. Sách cũ hạn chế, nhưng cũng chưa ai dám tin sách mới sẽ ưu việt hơn, dù chắc chắn sẽ tiêu tốn những khoản đầu tư không nhỏ. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều giáo viên dạy học đã thoát ly khỏi sách giáo khoa trong quá trình giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép điều này.

Vượt ra khỏi phạm vi của cuốn sách giáo khoa, sử dụng những nguồn ngữ liệu phong phú hơn, cập nhật hơn từ chính dòng chảy tin tức thời sự của ngày hôm nay, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thủy trường THCS Tân Dân, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từng bước hướng học sinh của mình đến với chủ đề, mục tiêu bài học thông qua nhiều hình thức khác nhau, kích thích sự tò mò của học sinh để các em chủ động tự tìm kiếm thông tin bằng tất cả các phương tiện mà các em có. Những tiết học của cô đã trở nên sôi nổi và hứng thú hơn rất nhiều.

Ngoài cuốn sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên trong bộ sách Kết nối tri thức mà nhà trường lựa chọn cô giáo Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Tân Dân, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thường xuyên tham khảo các chất liệu trong nhiều bộ sách khác để thiết kế nội dung cho tiết dạy của mình. Bên cạnh đó cô Hạnh rất thích sử dụng những chất liệu từ thực tế, những câu chuyện, sự kiện thời sự để thực hiện những yêu cầu mà học sinh cần đạt theo quy định của chương trình.

Ở nhiều tỉnh thành khác, các giáo viên cũng đã nỗ lực để dạy thoát ra khỏi kiến thức trong sách giáo khoa.

Thoát lối mòn trong dạy học Chương trình mới - Ảnh 4.

Giáo viên nhiều địa phương đang nỗ lực đổi mới cách dạy và cách đánh giá học sinh.

Như tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, tiết toán đã có nhiều sự thay đổi. Những ví dụ, những yêu cầu đặt ra của giáo viên cho học sinh không nhất thiết phải có trong sách giáo khoa nhưng đều hướng đến mục tiêu cần đạt. Đặc biệt môn học nào học sinh cũng đều có nhiều bài tập được các thầy cô giáo bộ môn soạn riêng phục vụ cho từng mức độ cần đạt như: Nhận biết, vận dụng, vận dụng cao...

Tâm thế học sinh trong giờ học cũng không còn thụ động, tương tác đã diễn ra nhiều hơn. Em Hoàng Thị Huyền, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng chia sẻ, em cảm thấy rất hứng thú với các bài giảng không có trong sách. Vì em được khám phá nhiều tác phẩm hơn để sáng tạo hơn trong mỗi bài viết của mình.

Với hướng dẫn mới, giáo viên hoàn toàn có thể thoát ly sách giáo khoa, thậm chí sử dụng những nguồn tài liệu khác phục vụ việc giảng dạy, chỉ cần không đi chệch ra ngoài chương trình. Điểm quan trọng của lần đổi mới này là chương trình thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng được sử dụng một cách chủ động, không lệ thuộc. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì cũng khó có thể đạt được những kỳ vọng trong lần đổi mới này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước