Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý, nhất là với trường ngoài công lập, còn gặp nhiều khó khăn.
Nếu như không phải học online, có lẽ anh Phan Hữu Tuyến (ở Hà Nội) không phải thắc mắc về những khoản thu học phí của con. Nguyên nhân là do ngoài số tiền học phí cơ bản còn nhiều khoản phí phụ huynh học sinh vẫn phải chi trả như chi phí quản lý bán trú, tiền học phẩm bổ sung sửa chữa nhạc cụ, chi phí trải nghiệm gia đình…
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết, đây là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh với chủ trường, Phòng không can thiệp được.
Việc thu các khoản phụ phí đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Cấp quản lý gặp khó, phụ huynh lại "loay hoay". Khi đã đăng ký cho con theo học, không ai muốn thay đổi. Tuy nhiên, điều mà các phụ huynh mong muốn là có sự chia sẻ giữa nhà trường và gia đình.
Dù cơ sở giáo dục dân lập được chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ theo thỏa thuận với phụ huynh, nhưng khi có những biến động (như thời điểm dịch bệnh phải học trực tuyến), việc thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh cần được làm rõ và giải thích thỏa đáng. Đặc biệt với trường tư thục, mức thu học phí không rẻ, không thể để tồn tại tình trạng phụ huynh dù đã ký nhưng cảm giác chưa được công bằng và minh bạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!