Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.
Sáng 1/6, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhấn mạnh, môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại biểu cho rằng, lịch sử là quá khứ là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, kho tàng tri thức, tinh hoa văn hóa nhân loại; là những bài học kinh nghiệm phong phú; là sự thật về cuộc sống trong suốt quá trình tồn tại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Có lịch sử mới có tương lai. Học lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về nguồn cội để biết ơn tổ tiên, hiểu về đức tính, chịu thương, chịu khó, tinh thần đoàn kết, anh dũng, sáng tạo và thông minh của biết bao thế hệ trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi, để trân trọng giá trị cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin, giúp học sinh có kiến thức về tinh hoa của văn hóa nhân loại" - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu rõ.
Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có báo cáo chuyên đề gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT".
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu "chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử…", hình thành nhân cách, lòng yêu nước, sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, Chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!