“Tiền uống sữa học đường mỗi tháng chỉ bằng 2 bát phở”

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 26/09/2018 06:51 GMT+7

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

VTV.vn - Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay số tiền đóng 1 tháng uống sữa học đường chỉ bằng 2 bát phở buổi sáng.

Chiều 25/9, trả lời về chương trình sữa học đường đang được một số phụ huynh học sinh quan tâm, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, chương trình sữa học đường được phụ huynh tự nguyện tham gia tại trường công lập và dân lập. Trẻ uống mỗi ngày 1 hộp 180ml. Giá tạm tính là 6.800 đồng/hộp. Các em học sinh thuộc các gia đình chính sách như hộ nghèo, có công với cách mạng… được hỗ trợ 100%. Các em học sinh bình thường sẽ được trợ giá 50%, phụ huynh đóng góp 50%.

"Mỗi tháng, phụ huynh học sinh đóng tiền uống sữa học đường hết khoảng 70.000 đồng. Số tiền này tôi vẫn nói vui là bằng giá của 2 bát phở ăn buổi sáng. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang làm các thủ tục đấu thầu, vì vậy chưa thông tin đến phụ huynh hãng nào sẽ cung cấp sữa", ông Phạm Xuân Tiến cho hay.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết thêm: "Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra. Thời điểm đóng thầu sẽ là ngày 1/10 tới".

"Nếu 90% học sinh Hà Nội uống 1 hộp sữa/ngày thì có tới 1 triệu hộp được tiêu thụ mỗi ngày. Tôi tin chỉ những hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được việc cung cấp này. Nếu chất lượng về sữa không đảm bảo, chỉ một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa nếu gặp vấn đề thì thương hiệu đó có thể bị phá sản, thất thu. Về tiêu chuẩn sữa, ngành Giáo dục sẽ làm việc cụ thể với Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia", ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Bộ Y tế sẽ có quy định về sữa học đường, trong thành phần có thêm một số vi lượng và khoáng chất giúp trẻ trong độ tuổi nhằm tăng chiều cao, không giống sữa đang bán ngoài thị trường. Sở Y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng sữa.

“Tiền uống sữa học đường mỗi tháng chỉ bằng 2 bát phở” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Các em học sinh hoàn toàn có thể mang vỏ sữa về nhà để phụ huynh kiểm tra xem thành phần, hạn sử dụng ra sao. Vì lượng tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thành phố là rất lớn nên việc phụ huynh lo lắng sữa sắp hết hạn sử dụng là không có. Khi sữa được vận chuyển đến, nhà trường sẽ nhập kho. Giáo viên là người đến kho để nhận, quản lý việc uống sữa, hướng dẫn học sinh cách bóc hộp sữa, ép vỏ sữa, sau đó đóng trong hộp lớn cho nhà cung cấp vận chuyển để tái chế. Giả sử, một trường có số lượng học sinh đến 4.000 em, khi xả lượng vỏ sữa ra nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường", ông Phạm Xuân Tiến nói rõ.

Chương trình Sữa học đường quan tâm đặc biệt đến sự đầu tư vào "lứa tuổi vàng" từ 2 - 12 tuổi, nhất là trẻ từ 2 tuổi vừa rời dòng sữa mẹ thì sữa học đường là nguồn bổ sung dinh dưỡng quan trọng bởi khoa học đã chứng minh ở lứa tuổi này, trẻ phát triển 86% thể chất, chiều cao, trí tuệ của một đời người.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…, chương trình Sữa học đường được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa.

Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội - cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.

Ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Phụ huynh băn khoăn về chương trình 'Sữa học đường' Phụ huynh băn khoăn về chương trình "Sữa học đường"

VTV.vn - Chương trình "Sữa học đường" có có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhưng nhiều phụ huynh vẫn rất băn khoăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước