"Tiếp sức" cho giáo dục đồng bằng sông Cửu Long

Theo Nhân dân-Thứ hai, ngày 23/02/2015 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa.

(VTV.vn) - Bằng sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và các thầy giáo, cô giáo cũng như người dân trong vùng, giáo dục ÐBSCL đang từng bước vươn lên.

Nói đến ÐBSCL là nói đến miền sông nước với khoảng 54.000 km kênh, rạch. Giao thông đi lại chủ yếu là đường thủy với chiếc xuồng nhỏ bé, đơn sơ giữa mênh mông sông nước là trở ngại lớn trên con đường tới trường của các em học sinh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Vĩnh Long, Trưởng vùng thi đua giáo dục khu vực ÐBSCL Trương Thị Bé Hai, kinh tế một số địa phương còn khó khăn tác động đáng kể đến đời sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành, cũng như đối với việc học tập của một số học sinh. Từ cái khó của đặc thù sông nước và điều kiện kinh tế - xã hội nên cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành, nhất là đối với giáo dục mầm non. Vì vậy, điều kiện để mở rộng hình thức dạy học hai buổi/ngày; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp, gây khó khăn trong việc triển khai chủ trương chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục theo yêu cầu của tình hình mới. Ðó là những "bài toán khó" cho việc nâng cao chất lượng GD và ÐT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, giáo dục trong vùng luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân và nỗ lực của toàn ngành. Vì vậy, nhiều chủ trương, chính sách, cách làm mới được ban hành kịp thời, tạo động lực thúc đẩy giáo dục ÐBSCL vươn lên. Nhất là các Sở GD-ÐT trong vùng tập trung và chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chuyên môn nâng cao chất lượng dạy và học như: nâng cao chất lượng thông qua mô hình trường THCS bán trú, ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành, họp trực tuyến. Ngoài ra, ngành GD-ÐT trong vùng còn tổ chức "đối thoại với đội ngũ nhà giáo và nhân dân về giáo dục" tại từng huyện, thị xã, thành phố"; tổ chức "tiếp sức người thầy", "tiếp sức đến trường", "ba đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở)... nhằm tạo điều kiện tốt nhất thu hút trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong nâng cao chất lượng đội ngũ, việc bố trí, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên được triển khai hợp lý, bảo đảm tốt yêu cầu hoạt động của ngành trong năm học mới. Nhiều địa phương đã chủ động điều chuyển giáo viên ở những nơi thừa sang nơi thiếu nhằm cân đối đủ tỷ lệ giáo viên/lớp. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên với tỷ lệ bình quân hơn 99% đạt chuẩn; trong đó tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS trên chuẩn là hơn 68%. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng không ngừng tăng lên ở các địa phương.

Một số địa phương đã ban hành nhiều chính sách thu hút đối với cán bộ quản lý, giáo viên về công tác ở những địa bàn khó khăn theo đặc thù của tỉnh, tạo động lực xây dựng đội ngũ nâng cao chất lượng giáo dục giữa các khu vực khác nhau. Ngoài ra, các Sở GD-ÐT vùng ÐBSCL còn tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc học sinh bỏ học như: tăng cường công tác vận động xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn giúp các em yên tâm đến lớp; phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền trong phụ huynh học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập, đồng thời vận động các em bỏ học trở lại lớp; tổ chức tư vấn tâm lý và giáo dục đạo đức cho học sinh.

Từ những giải pháp, nỗ lực của các cấp chính quyền cùng ngành giáo dục với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, đổi mới phương pháp được triển khai đã tạo nên bộ mặt mới cho giáo dục ÐBSCL. Ðiển hình, tại quận Bình Thủy (Cần Thơ), sáng tạo trong xã hội hóa giáo dục phối hợp các ban ngành, đoàn thể của địa phương huy động được các nguồn lực xã hội như: việc tổ chức đêm văn nghệ "Vòng tay nhân ái" gây quỹ hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn số tiền hơn 140 triệu đồng; tặng quà, tặng phẩm cho học sinh hơn 1,8 tỷ đồng; vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị được hơn 458 triệu đồng và vận động xây dựng một số trường học được hơn 87,7 tỷ đồng. Ðáng chú ý, theo Trưởng phòng giáo dục quận Bình Thủy Nguyễn Văn Xuân, toàn quận thực hiện giải pháp kết nghĩa tương trợ của các cơ sở giáo dục góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở GD-ÐT Kiên Giang Cao Thanh Hùng, việc thay đổi phương pháp mới luôn gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, khi đã tạo hứng thú cho giáo viên và học sinh trong dạy và học; giờ học sinh động; phát huy tính tự chủ của học sinh, tạo nên những thay đổi căn bản chất lượng giáo dục. Tại Trường tiểu học Ðông Hồ (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), chúng tôi được chứng kiến lớp học được tổ chức theo mô hình mới chia thành từng nhóm nhỏ. Khi cô giáo đưa ra chủ đề kiến thức, lập tức các học sinh tự giác làm bài, từng nhóm hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau với sự chủ động rất cao. Cô giáo đi từng nhóm cần trợ giúp để giải thích những băn khoăn, thắc mắc của học sinh trong bài học sau đó tổng hợp kiến thức giúp học sinh phát biểu tự tin, mạnh dạn khi bày tỏ quan điểm, trả lời đáp án bài học, nhận xét đánh giá, bổ sung câu trả lời của bạn trên tinh thần xây dựng.

Ðiều đáng nói, cách tổ chức lớp học đã không còn thuần túy kiểu "thầy đọc, trò chép" mà đã có sự tương tác hiệu quả, vẫn giữ được vị trí, trách nhiệm giữa người dạy và người học nhưng cũng xóa đi "khoảng cách" thầy trò như trước đây do học sinh thiếu tự tin, còn rụt rè. Trong khi đó, tại Trường tiểu học Ðịnh Hòa 1 (huyện Gò Quao, Kiên Giang) nơi có 64% số người Khmer sinh sống cho nên việc đổi mới phương pháp dạy học gặp nhiều khó khăn bởi học sinh khi đi học không thông thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, các thầy giáo, cô giáo vẫn mạnh dạn đưa phương pháp, mô hình trường học mới vào giảng dạy. Ðến nay, mô hình trường học mới không chỉ phát huy hiệu quả trực tiếp trong lớp học mà còn thu hút được các bậc phụ huynh tích cực tham gia trong việc giáo dục học sinh.

Có thể nói, giáo dục ÐBSCL vẫn còn chịu nhiều tác động của điều kiện kinh tế cũng như đặc thù vùng sông nước. Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh với nhiều giải pháp khác nhau đang từng bước đưa giáo dục nơi đây chuyển mình vươn lên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước