Trao đổi với phóng viên chiều 29/7, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân đã họp và chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp rà soát căn cứ pháp lý đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong vấn đề này. Nếu các văn bản pháp luật không xung đột với nhau thì áp dụng văn bản có lợi cho người học và nhà trường".
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết đã tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH để có giải pháp phù hợp với quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.
Ông Minh cho biết thêm: "Sau khi báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi sẽ có công văn đồng ý cho các trường triển khai tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trong năm 2019-2020. Sau đó, các trường tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi".
Trước đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị 45 trường đại học dừng tuyển sinh đối với các ngành nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp.
Trước thông tin có tính đột ngột này, một số trường đại học cho biết, họ đang gặp khó khăn trong giải quyết tình huống do các trường đại học nhận được yêu cầu dừng tuyển sinh sau khi đã tuyển được người học và chuẩn bị xong về cơ sở vật chất.
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu những trường đại học đang đào tạo hệ cao đẳng phải giảm chỉ tiêu ít nhất 30%/năm, tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng trước năm 2020. Tuy nhiên, nhiều trường đại học vẫn không giảm số lượng tuyển sinh hệ cao đẳng. Hiện các trường nghề rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân là do việc các trường đại học không bỏ hệ cao đẳng sẽ dẫn đến sự mất cân đối trong thực hiện chủ trương phân luồng, người học không được thực hành nhiều, dẫn đến sinh viên ra trường thiếu kỹ năng nghề nghiệp và thất nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!