Tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở và sẽ cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn.
Thách thức triển khai dạy môn tích hợp
Từ năm học 2021 - 2022, học sinh bậc trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9 thay vì học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì học một môn học tích hợp là môn Khoa học tự nhiên gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học. Thay vì học riêng 2 môn Lịch sử và môn Địa lý, như chương trình từ năm 2006, thì học sinh sẽ học môn Lịch sử và Địa lý.
Lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới mới học hết một năm học và đang chuẩn bị bước sang năm thứ hai. Thế nhưng, việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên cùng với Lịch sử và Địa lý còn bất cập khi trước đây giáo viên được đào tạo chỉ để dạy từng môn còn giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả.
Song, việc "điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở" nếu không được nghiên cứu cẩn trọng, bài bản và trách nhiệm để có giải pháp phù hợp thì sẽ gây ra xáo trộn lớn, nhất là ngay trước thềm năm học mới.
Khi thiết kế chương trình giáo dục phổ thông 2018, một lý do được nêu ra là dạy tích hợp là xu hướng của thế giới.
Các quốc gia như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ... đều có môn tích hợp trong chương trình mới.
Về nội dung, bộ sách này được chia thành các phần về thực vật, động vật không xương sống, trái đất, vũ trụ, không gian, hóa học. Mỗi phần đều có phương pháp học là học sinh quan sát, khái niệm khoa học, báo cáo bằng chứng thực tế, tuyên ngôn khoa học… Lấy ví dụ như bài học về thực vật. Đó là một chuyên đề dài học từ lá, hoa, quả, hạt với đầy đủ cấu trúc các lớp, cơ chế vận hành, giải phẫu thực vật, động vật nào ăn lá cây gì, quan sát và sưu tập các loại, thực nghiệm thực tế, giới thiệu về nhà thực vật nổi tiếng, những loại cây nên biết, đoán tên của cây, các vùng phân bố của cây…
Môn giáo dục địa phương chỉ có 35 tiết học/năm học nhưng có 6 phân môn, chia làm 2 học kỳ. Hiện nay, nhiều trường học đang giao nội dung giáo dục địa phương cho ít nhất 3 tổ chuyên môn cùng giảng dạy (tổ ngữ văn, tổ sử-địa-giáo dục công dân, tổ nghệ thuật). Còn môn nghệ thuật thì hai phân môn này được viết thành 2 cuốn sách giáo khoa riêng, bố trí giáo viên dạy riêng biệt nhưng khi kiểm tra, nhập điểm, vào học bạ lại chung thành môn nghệ thuật. Với cách bố trí môn nghệ thuật kiểu này khiến cho việc giảng dạy, kiểm tra, vào điểm, nhận xét trở nên rối rắm, chắp vá, không theo bất kỳ một trình tự khoa học nào.
Tránh gây xáo trộn, lãng phí khi điều chỉnh các môn học tích hợp
Không một sự đổi mới ở lĩnh vực nào lại không có khó khăn và được dễ dàng chấp nhận. Cách đây 8 năm, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair khi ở thăm Việt Nam đã chia sẻ "10 năm làm Thủ tướng cho ông kinh nghiệm, mọi cải cách, thay đổi đều khó, bao giờ cũng có kháng cự, cản trở. Nếu cải cách đưa ra mà không có phản đối là cải cách đó kém và cần xem lại".
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng việc đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta đang được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số: 29, năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Riêng cái tên của Nghị quyết này đã cho thấy mức độ sâu rộng và tác động của quá trình đổi mới giáo dục phổ thông đang được tiến hành trong cả nước mấy năm qua là như thế nào.
Việc đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam được triển khai từ năm 2018 đến nay đã đi được một bước dài. Đã có nhiều cuộc tranh luận và cũng đã có những điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu và thực tiễn.
Trong 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một nửa thời gian là đại dịch COVID-19 tác động, nhưng vẫn đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Nhất là trong điều kiện, hầu hết địa phương đều thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên và khó khăn do giảm biên chế giáo viên cơ học tại nhiều địa phương.
Sẽ là lãng phí và tụt hậu nếu giáo dục phổ thông quay về cách dạy và học cũ nhưng cũng sẽ là có lỗi nếu không có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, để đổi mới giáo dục phổ thông mang lại hiệu quả cao nhất đối với thế hệ tương lai của đất nước, đúng như mục tiêu và yêu cầu của Nghị quyết số: 29, năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Bà Vũ Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Đô Thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!