Thận trọng khi thay đổi dạy học tích hợp

Phạm Hà, Bạch Dương, Thành Luân-Thứ hai, ngày 21/08/2023 18:50 GMT+7

VTV.vn - Ngay trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin khả năng cao sẽ có thay đổi đối với môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở.

Tích hợp để nhìn nhận các sự vật, hiện tượng bằng kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Nếu chương trình cũ dạy riêng biệt các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì giờ kết hợp lại thành môn Khoa học tự nhiên. Trước đây, môn Lịch sử, Địa lý tách biệt thì giờ được biên soạn chung thành một cuốn sách là Lịch sử và Địa lý.

Môn tích hợp là xu hướng của của thế giới. Các quốc gia như Anh, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ... đều có môn tích hợp trong chương trình mới. Tuy nhiên, khi dạy chương trình mới ở Việt Nam, giáo viên thiếu lại chưa được đào tạo bài bản đã gây ra hàng loạt khó khăn.

Thận trọng khi thay đổi dạy học tích hợp - Ảnh 1.

Giờ Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Kim Đồng, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, các học sinh đang tìm hiểu về phân tử đơn chất, hợp chất, kiến thức của môn Sinh học, Hóa học và cả một phần nhỏ kiến thức Vật lý. Đó là điểm mới của việc dạy tích hợp và cũng là thách thức với cô Mai Thị Lệ Thúy. Cô chỉ là giáo viên dạy môn Sinh học trong khi dạy tích hợp đòi hỏi phải có kiến thức của các môn khác.

'''Tôi là giáo viên chuyên dạy môn Sinh. Tôi chỉ nhìn góc độ theo môn Sinh học. Giờ nhìn tổng thể phải có kiến thức Vật lý, Hóa học, cũng rất khó khăn cho chúng tôi'', cô Thúy cho biết.

Trước mỗi tiết học tích hợp, cả Tổ Khoa học tự nhiên của nhà trường phải ngồi với nhau. Giáo viên nhận dạy tiết nào sẽ phải trình bày mục đích, cách thực hiện và lấy ý kiến chuyên môn của các đồng nghiệp. Vì giáo viên Hóa lại không biết về Vật lý hay giáo viên Vật lý lại không nắm được kiến thức Sinh học.

Mục đích của dạy tích hợp là để học sinh nhìn thấy mối liên kết của các kiến thức khác nhau trong một hiện tượng. Muốn học sinh nhìn thấy thì phải có dụng cụ, phải tổ chức hoạt động để học sinh thực hành, thế nhưng, nhiều trường đang phải dạy ''chay''. Thiếu cơ sở vật chất khiến việc triển khai chương trình mới càng khó khăn.

Với các trường THCS, không quá khi nói 2 năm học vừa qua là cả quá trình nỗ lực và xoay sở. Sau lớp 6 và lớp 7, năm nay đến lượt lớp 8 bắt đầu triển khai 2 môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử, Địa lý với một số chủ đề học tập chuyên sâu hơn. Khó khăn về đội ngũ giáo viên và kế hoạch chương trình học khiến nhiều lãnh đạo nhà trường trăn trở ngay trước thềm năm học mới.

Việc một môn học tích hợp mà nhiều giáo viên cùng dạy vẫn đang là tình trạng phổ biến. Sắp xếp giáo viên còn có thể xoay sở được, cái khó của nhiều trường hiện nay là ngay từ nội dung môn học đã tồn tại nhiều bất cập. Còn với môn Khoa học tự nhiên, dù đã có một cái tên tích hợp nhưng bên trong các bài học, kiến thức thuộc môn Sinh học, Hóa học và Vật lý được sắp xếp lần lượt. Thiết kế môn học chưa thể hiện rõ sự tích hợp khiến nhiều trường phải rất vất vả để lên được một thời khóa biểu phù hợp.

Tại cuộc gặp gỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các giáo viên trên cả nước, rất nhiều ý kiến kêu khó, kêu khổ về việc dạy học tích hợp. Đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết khả năng cao sẽ thay đổi môn tích hợp. Cần sự tính toán thận trọng, kỹ lưỡng để mục tiêu của chương trình và sự chuẩn bị suốt thời gian qua không bị lãng phí.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước