Trường CĐ Truyền hình hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp với Đại sứ quán Đan Mạch

Nhật Nguyệt - Hoàng Anh Vũ Trần-Thứ sáu, ngày 20/09/2019 12:10 GMT+7

VTV.vn - Ngày 16/9/2019, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về thăm và làm việc với trường Cao đẳng Truyền hình về Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn II.

Tham gia buổi làm việc, về phía Đan Mạch có ông Henrik Hjorth - Tham tán Đại sứ quán; ông Torben Schuster - Cố vấn cấp cao Bộ Giáo dục. Về phía trường Cao đẳng Truyền hình có ông Trần Phúc Trung - Hiệu trưởng; bà Nguyễn Minh Hải - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo Khoa Công nghệ thông tin, Trung tâm Thí nghiệm - Thực hành, Phòng Công tác chính trị cùng các giảng viên giảng dạy môn thiết kế đồ họa.

Trường CĐ Truyền hình hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp với Đại sứ quán Đan Mạch - Ảnh 1.

Phát biểu tại buổi làm việc, Hiệu trưởng nhà trường trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lựa chọn và cho phép trường Cao đẳng Truyền hình được tham dự vào giai đoạn II của dự án.

"Là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp duy nhất của Đài Truyền hình Việt Nam, từ nhiều năm nay, trường Cao đẳng Truyền hình đã tổ chức đào tạo gắn giữa lý thuyết với thực tiễn; đẩy mạnh việc thực tập kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên theo hướng "học dựa trên làm việc thực tế" - các loại hình báo chí trong trường là một ví dụ điển hình. Nhà trường cho rằng đây cũng là một hướng đi phù hợp.

Tuy nhiên, để việc gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, các cơ sở giáo dục như Cao đẳng Truyền hình rất cần tư vấn của các chuyên gia vừa có chuyên môn sâu, vừa có kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp. Vì vậy, việc được tham gia vào Dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với trường Cao đẳng Truyền hình, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay", ông Trần Phúc Trung nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, ông Torben Schuster - Cố vấn cấp cao Bộ Giáo dục Đan Mạch đã trình bày tóm tắt mục tiêu, ý nghĩa và kết quả của dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn I. Theo đó, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động, Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn I (2016 - 2019). Theo đánh giá, giai đoạn I của dự án, 4 trường tham dự đã thành công trên nhiều phương diện.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời để theo dõi sự tác động của dự án giai đoạn I và giải quyết kịp thời các bài học rút ra cũng như thử nghiệm các giải pháp mới, Chính phủ Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ các trường thực hiện dự án giai đoạn II.

Trong giai đoạn này, bên cạnh việc mở rộng thêm 1 ngành nghề mới, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia cũng tăng từ 4 lên 12 đơn vị, trong đó trường Cao đẳng Truyền hình tham gia dự án về lĩnh vực Thiết kế đồ họa - một ngành nghề mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường CĐ Truyền hình hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp với Đại sứ quán Đan Mạch - Ảnh 2.

Tiếp đó, ông Henrik Hjorth, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến dự án giai đoạn II, các hoạt động trong khuôn khổ dự án và tiến độ thực hiện. Đại diện phía Đan Mạch cũng nêu ra những mục tiêu chính cần thực hiện trong giai đoạn II, đó là: (1) Kết nối với cơ sở GDNN với các doanh nghiệp; (2) Hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, tăng thời lượng học dựa vào thực tế và thay đổi cách thức đào tạo cho phù hợp; (3) Tăng cường chất lượng đào tạo giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, kỹ năng giảng viên, cán bộ quản lý  trường, cán bộ quản lý của các doanh nghiệp; (4) Phát triển chính sách ở cấp quốc gia, xây dựng đối thoại chính sách giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Giáo dục Đan Mạch để phát triển các chính sách cho phù hợp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, các chuyên gia thực hiện dự án của phía Đan Mạch sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường kết nối với doanh nghiệp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó góp phần thu hút học sinh, sinh viên học tại trường. Ông Henrik Hjorth bày tỏ vui mừng khi được biết trường Cao đẳng Truyền hình bước đầu đã có những hoạt động hợp tác nhằm gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo một số ngành nghề. Ngài Tham tán cũng đánh giá cao mô hình đào tạo "học đi đôi với hành" mà nhà trường đang triển khai thực hiện đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Cũng trong buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau thảo luận dựa trên thực tế để xây dựng và phát triển dự án trong giai đoạn II được thành công tốt đẹp. Theo đó, để dự án triển khai hiệu quả, phía Đan Mạch đề nghị trường Cao đẳng Truyền hình phải quan tâm và xúc tiến ngay việc thành lập Hội đồng kỹ năng nghề. Việc thành lập các hội đồng kỹ năng nghề nhằm thúc đẩy đối thoại chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp. "Hội đồng này gồm các đại diện từ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác tập trung đánh giá nhu cầu kỹ năng từ doanh nghiệp và xây dựng, triển khai thí điểm chương trình đào tạo trong đó phân chia rõ mục tiêu, nội dung đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Mô hình này đang triển khai rất hiệu quả trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đan Mạch" - ông Torben Schuster, Cố vấn cấp cao Bộ Giáo dục Đan Mạch, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những vấn đề về kế hoạch, chương trình đào tạo; mối quan hệ gắn kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo nghề… cũng được đại diện Đại sứ quán Đan Mạch và trường Cao đẳng Truyền hình thảo luận kỹ trong buổi làm việc giữa hai bên.

Trường CĐ Truyền hình hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp với Đại sứ quán Đan Mạch - Ảnh 3.

Kết thúc buổi làm việc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Truyền hình tái khẳng định vai trò quan trọng khi được tham gia vào dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn II. Theo ông, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này là nhà trường cùng cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên trong toàn trường. Bên cạnh việc cán bộ, giảng viên tham gia dự án được nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng tài liệu giảng dạy và tổ chức các chương trình đào tạo…, cán bộ quản lý của nhà trường và khoa chuyên môn cũng sẽ được nâng cao năng lực trong công tác quản lý, tổ chức chương trình đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; học sinh, sinh viên được hưởng lợi từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo, thuận lợi trong việc tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm; các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tuyển dụng người lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp có chất lượng...

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, trường Cao đẳng Truyền hình cam kết sẽ lựa chọn và mời các nhân sự phù hợp tham gia vào Hội đồng kỹ năng nghề cũng như tham gia các hoạt động khác trong khuôn khổ dự án. Hiệu trưởng Trần Phúc Trung cũng mong muốn Đại sứ quán Đan Mạch sẽ hỗ trợ tích cực và đồng hành cùng với nhà trường trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Thay mặt Đại sứ quán Đan Mạch, ông Henrik Hjorth khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để nhà trường triển khai dự án đạt tiến độ và hiệu quả: "Tôi thấy nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo rất tốt và hiện đại. Tôi mong rằng dự án này sẽ góp phần nâng cao sự hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thiết kế đồ họa. Hy vọng sau 4 năm, mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp sẽ tốt đẹp hơn và ở một tầm cao mới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước