Ứng xử trong nhà trường: Thầy cô cần làm gương

Hồng Anh, Mạnh Tiến-Thứ hai, ngày 22/01/2024 16:34 GMT+7

VTV.vn - Trường học được coi là mái nhà thứ hai nên các em cần phải được sống trong một ngôi trường hạnh phúc.

Những tác động xấu đối với con trẻ  

Có một sự thật không thể phủ nhận đó là nếu một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, thường xuyên tranh cãi hay bạo lực thì môi trường đó có thể gây ra những tác động xấu kéo dài đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của đứa trẻ. Chúng ta vẫn hay nói, nhà trường là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Và nếu những thành viên trong ngôi nhà bất hòa sẽ khiến con cái chúng ta bị tổn thương. Cơn tức giận của người lớn sẽ chuyển sang trẻ nhỏ và biến chúng thành nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực.

Tái diễn những hành vi không chuẩn mực của giáo viên   

Sự việc diễn ra trong 1 lớp học. Và 2 cô giáo có những hành vi thiếu chuẩn mực với các em học sinh trong đoạn video được ghi lại.

Ứng xử trong nhà trường: Thầy cô cần làm gương - Ảnh 1.

Tại thời điểm diễn ra sự việc, cô giáo cho biết: bàn học sinh bị hỏng, chỉ có 2 chiếc sử dụng được là bàn để chia đồ ăn nên học sinh được xếp ngồi xung quanh cô giáo. Vào giờ cơm, 1 cô phải đi họp, cô còn lại phải tự lo bữa ăn cho 19 trẻ. Để kịp giờ ngủ trưa, cô giáo mới nghĩ ra cách: cho 7 trẻ ăn chung 1 bát cơm.

Vì có camera giám sát nên hành vi chưa chuẩn mực của giáo viên đã được phát hiện. Nhưng bất thường ở chỗ, camera lại được lắp đặt lén lút mà không giáo viên nào hay biết. Hình ảnh này sau đó cũng bị phát tán lên mạng xã hội chứ không phải đưa ra để chấn chỉnh trong hội đồng giáo viên.

Bà Hoàng Thị Xuân, Phó trưởng phòng GDĐT huyện Nho Quan, Ninh Bình cho biết: "Khi nhận được hình ảnh đấy, chúng tôi cũng rất đau lòng và buồn. Vì thực tế là lúc nào cũng muốn là giáo dục tư tưởng, đạo đức, đội ngũ cũng như là việc cho giáo viên có những hành vi chuẩn mực nhất".

Sự tổn thương đã xảy đến với rất nhiều người trong cuộc. Nhiều phụ huynh học sinh đã chấp nhận bỏ qua sự việc. Nhưng vì hành vi là sai, là phản giáo dục nên mọi chuyện không thể khép lại chỉ bằng lời xin lỗi.

Dĩ nhiên hành vi của các giáo viên bị ghi lại qua camera là sai, là phản giáo dục. Tuy nhiên một vấn đề khác mà cả giáo viên và phụ huynh đều thắc mắc đó là tại sao lại có camera quay lén mà không phải là lắp công khai để giám sát một cách minh bạch? Động cơ của việc lắp camera và tung ra những hình ảnh quay được lên mạng xã hội cũng bị đặt dấu hỏi là để thực sự làm trong sạch hóa môi trường giáo dục, hay là nhắm tới việc bắt lỗi và làm mất uy tín một vài giáo viên cụ thể nào đó trong trường. Chính vì vậy, sau khi sự việc xảy ra, phòng giáo dục huyện Nho Quan cũng đã ngay lập tức thành lập tổ công tác yêu cầu nhà trường xác minh, làm rõ sự việc. Đồng thời phối hợp với UBND xã và Công an xã trong công tác kiểm tra việc bảo vệ an ninh, an toàn trong phạm vi nhà trường. Còn theo tìm hiểu của phóng viên từ thông tin một số phụ huynh, việc camera được lắp trộm trong 1 lớp học lại xuất phát từ những vấn đề bất ổn trong chính nội bộ nhà trường.

Ngôi trường nhiều bất ổn

Cả trường mầm non Thượng Hòa, huyện Nho Quan, Ninh Bình chỉ có 3 chiếc camera. 1 cái gắn ở phòng bảo vệ. 2 cái khác được gắn ở bếp và khu vực sơ chế đồ ăn. Lớp học luôn có mặt giáo viên. Cổng trường thì luôn khoá kín. Vậy mà lại có thể xảy ra việc gắn trộm camera vào lớp học.

Chìa khóa của lớp thì ngoài 2 giáo viên, không ai có. Nhưng ngay trước khi sự việc gắn trộm thiết bị quay lén diễn ra, chiếc chìa khóa này đã được cô giáo bàn giao lại cho nhà trường.

Theo như hình ảnh được phát tán, vị trí lắp camera chỉ có thể ở khu vực này. Và để gắn ở chỗ khó phát hiện thì cần phải có thời gian và phương tiện hỗ trợ để trèo lên.

Giáo viên ở đây không ai trực tiếp thừa nhận chuyện chia rẽ nội bộ. Nhưng dưới góc nhìn của các phụ huynh, trong trường đang diễn ra nhiều bất ổn. Từ chuyện camera quay lén đến việc sử dụng vật tư trong trường.

Phụ huynh còn phát hiện 1 câu chuyện bất thường khi giáo viên hợp đồng dù nghỉ thai sản suốt 9 tháng mà vẫn nhận được hơn 16 triệu đồng tiền lương.

Theo nhiều phụ huynh, sự bất thường còn diễn ra ở cả những khoản thu thiếu minh bạch của nhà trường.

Để làm rõ những khúc mắc, hơn 30 phụ huynh đã cùng nộp đơn đề nghị lên UBND huyện để tiến hành thanh kiểm tra các hoạt động của nhà trường.

Theo người dân địa phương, đơn thư phản ánh đã được họ gửi đi từ 3 tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức từ phía cơ quan chức năng.

Kết quả bước đầu về phản ánh của phụ huynh 

Theo đại diện UBND huyện Nho Quan, ngay sau khi nhận được đơn thư của người dân, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ sự việc. Nhưng vì đây là đơn đề nghị, không phải đơn tố cáo nên không có quy định thời hiệu phải đưa ra kết luận. Nội dung phản ánh nhiều, liên quan đến 7 vấn đề khác nhau. Và trong quá trình làm việc, người dân lại tiếp tục cung cấp thông tin cho đoàn kiểm tra nên quá trình xác minh kéo dài. Cho đến nay, kết luận thanh tra cũng đang dần đi đến hồi kết.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Chánh VP HĐND và UBND huyện Nho Quan, Ninh Bình cho hay: "Đối với 7 nội dung phản ánh của người dân, qua kết quả làm việc của đoàn kiểm tra, có những nội dung là đúng, có những nội dung không đúng, có những nội dung chỉ đúng một phần. Hiệu trưởng các nhà trường là do thẩm quyền của ban thường vụ. Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ căn cứ vào các quy định của Đảng và các quy định của Nhà nước thì sẽ xử lý theo quy định".

Những đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên lại đang được chăm sóc trong một môi trường giáo dục đầy bất ổn. Ở lứa tuổi nhỏ nhất, nhiều em thậm chí còn chưa biết nói, chưa thể tự phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất của bản thân, thì liệu có bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện không hay của người lớn không? Việc kiểm soát cảm xúc và hành vi, để không dẫn đến những hành động phản cảm và đi quá giới hạn luôn là bài học được nhắc đến nhiều. Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn luôn có khoảng cách.

Trường học phải là nơi hạnh phúc  

Một ngôi trường khang trang chưa đủ để các em nhỏ cảm thấy hạnh phúc. Nhất là khi quan hệ và sự ứng xử giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với nhau và giữa phụ huynh với cô giáo đang có quá nhiều vấn đề bất ổn.

Trường học là ngôi nhà thứ 2 của trẻ, vậy khi ngôi nhà không êm ấm, những đứa trẻ liệu có thể hạnh phúc không?

Nếu quát 1 đứa trẻ thì đây là phản ứng tức thì của đứa bé. Còn nếu là đánh thì hành vi lặp lại ngay lập tức sẽ diễn ra. Thực chất, bắt chước cũng là một quá trình học hỏi của trẻ. Do vậy mọi cảm xúc, hành vi của người lớn đều có tác động không nhỏ đến sự phát triển của các em.

Dẫu biết đây là công việc gây nhiều áp lực về cảm xúc và hành vi, nhưng dù muốn hay không, khi đã chấp nhận công việc này, tấm gương thầy cô khoác lên mình luôn phải sáng, chứ không thể mờ hay bị vẩn đục. Kiểm soát hành vi luôn là một vấn đề lớn trong môi trường giáo dục.

Những đứa trẻ chỉ có thể hạnh phúc khi được sống trong môi trường thực sự hạnh phúc.

Những sự việc xảy ra trong một ngôi trường nhỏ lại hàm chứa những vấn đề lớn của ngành giáo dục. Không chỉ gia đình mà cả nhà trường cũng đều có trách nhiệm tạo ra một môi trường hạnh phúc cho trẻ. Vì chỉ khi người chăm sóc các em có sự bao dung và hạnh phúc thì tình yêu thương mới có thể được vun đắp và lan tỏa. Tức giận và bức xúc thường sẽ là cảm xúc chung của các bậc phụ huynh khi thấy giáo viên có những hành vi không đúng chuẩn mực với con em mình. Thế nhưng ở trường mầm non Thượng Hòa, tại ngay chính lớp học diễn ra sự việc, gần như toàn bộ các phụ huynh trong lớp đã viết đơn đề nghị đưa ra mức xử lý nhẹ nhất cho cô giáo, đặc biệt là tạo điều kiện quay lại giảng dạy với 1 giáo viên hợp đồng đã xin nghỉ việc. Khi sự tin tưởng của những người trong cuộc vẫn còn thì tình yêu thương chưa thể chấm dứt.

Bản án lương tâm cho sự nóng giận thiếu kiểm soát  

Là phụ huynh của em bé 2 tuổi bị cô giáo đánh vào mặt, dù đã từng rất ám ảnh, bức xúc sau khi xem được hình ảnh này, nhưng chị Trần Thị Kim Oanh vẫn quyết định tha thứ.

Sự cảm thông, tha thứ là tinh thần chung của các bậc phụ huynh có con em trong lớp học xảy ra sự việc.

Hơn 1 tháng sau khi hình ảnh được phát tán, cô Thiện vẫn tiếp tục gắn bó với lớp để chờ đợi quyết định kỉ luật dành cho mình. Cô giáo còn lại đã được thay thế.

Những đứa trẻ mới lên 2 lại phải mất thêm thời gian để làm quen với một sự yêu thương mới.

Đến nay, dù vẫn chưa có hình thức kỷ luật nào chính thức được đưa ra nhưng cô giáo Đinh Thị Oanh đã tự viết đơn xin nghỉ việc. Lý do chỉ là đi làm công việc khác. Đáng buồn với cô giáo là công việc mới lại không có chút gì liên quan đến chuyên môn của người đã gắn bó hơn 16 năm với nghề.

Ứng xử trong nhà trường: Thầy cô cần làm gương - Ảnh 2.

16 năm làm giáo viên hợp đồng với đồng lương rất ít ỏi, nếu không vì yêu nghề mến trẻ thì chắc người phụ nữ này đã không thể gắn bó lâu đến như vậy. Một câu chuyện buồn mà gây ra quá nhiều sự tổn thương.

Tình yêu thương trong 1 vài phút nóng giận đánh mất đi, để rồi người trong cuộc lại tự thấy tổn thương bằng chính sự mất mát đó.

Sau cùng bản án lớn nhất không phải là sự phán xét mà là sự day dứt lương tâm của chính mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước