Hài lòng là tâm trạng của phần đông thí sinh tại Hà Nội và TP.HCM sau khi kết thúc buổi thi Tiếng Anh vào ngày 10/8. TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội… cũng là những địa phương dẫn đầu điểm trung bình Tiếng Anh, ở mức 5,1-5,8. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, phổ điểm ở các địa phương đứng đầu năm nay cũng chưa thực sự ở mức cao bởi nhiều nguyên nhân.
"Đúng như dự đoán, khi tôi cầm bài đọc là tôi đã đoán phổ điểm chỉ được 4 hoặc hơn 4, vì học trò của tôi chỉ làm được phần ngữ pháp, kể cả em học tốt" - cô Lê Thị Minh Tiên, Tổ trưởng Tổ Anh văn, THPT Thủ Thiêm, TP.HCM cho biết.
Thầu Phạm Hùng, Tổ phó Tổ Anh văn, THPT Marie Curie, TP.HCM cho rằng: "Qua mùa dịch, tâm lý các em có phần không ổn định. Các em chưa chuẩn bị được kỹ năng về làm bài".
Những địa phương dẫn đầu điểm trung bình tiếng Anh.
Còn với nhiều chuyên gia, nhiều năm qua, môn tiếng Anh luôn có phổ điểm lệch hẳn sang trái, nhiều điểm trung bình hoặc dưới trung bình đã không còn là điều bất ngờ. Bởi nếu không chọn tổ hợp xét tuyển đại học có tiếng Anh, học sinh sẽ có tâm lý học lệch, chỉ tập trung những môn cần xét tuyển. Một nguyên nhân nữa là điểm môn tiếng Anh thường phân hóa rất rõ rệt theo vùng miền, tỉnh thành.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những lý do khiến Tiếng Anh mãi là môn thi đứng chót bảng là bởi vẫn còn tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ bậc phổ thông, hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3). Bên cạnh đó, chất lượng giảng dạy không đồng đều cũng là lý do khiến điểm thi môn tiếng Anh khó lòng vượt lên được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!