Vì sao tăng học phí đại học?

Hoài Thương - Ngọc Minh-Thứ bảy, ngày 08/05/2021 12:43 GMT+7

VTV.vn - Tăng học phí là điều tất yếu, bài toán kinh tế sau khi tự chủ buộc nhiều trường phải tính toán cẩn thận chi phí đào tạo.

Năm học 2021-2022, các trường đại học tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Đặc biệt, một số trường chia thành rất nhiều hệ với mức học phí từ khoảng 20 triệu cho tới hơn 300 triệu đồng cho khóa học 4 năm.

Học phí khối ngành sức khỏe tăng mạnh nhất trong 2 năm nay, tập trung ở một số trường khu vực phía Nam như ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh…

Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có mức học phí cao nhất ở khối tư thục. Riêng ngành y và răng hàm mặt có học phí 182 triệu đồng và 220 triệu đồng/năm với chương trình tiếng Việt và tiếng Anh.

"Học phí ngành răng hàm mặt hiện nay ở trường ĐHQT Hồng Bàng vẫn thấp hơn nhiều so với học phí ngành nha ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, ghế máy nha, thiết bị răng hàm mặt, đều phải nhập từ nước ngoài về", PGS.TS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết.

Cũng liên quan đến việc tăng học phí, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết thêm: "Lý do tăng học phí là chương trình chúng tôi chuẩn hóa chương trình quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất rất lớn. Ví dụ, chúng tôi xây dựng xong nhà thi đấu, bể bơi có tiện ích ký túc xá rất đầy đủ cho các em".

Vì sao tăng học phí đại học? - Ảnh 1.

học phí một số trường ở phía Bắc có tăng nhẹ (Ảnh minh họa)

Năm nay, học phí một số trường ở phía Bắc có tăng nhẹ, khoảng 3-5 triệu đồng/năm, chủ yếu dành cho sinh viên khóa mới. Theo đại diện các trường, từ nhiều năm nay, chi phí đào tạo cho một sinh viên cao hơn nhiều so với học phí thu do được bù bởi nguồn ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng: "Trước đây, chúng ta xây dựng trên 1 cái nền hoàn toàn bao cấp. Do vậy mức chi phí xác định học phí khá thấp, không bù đắp trang trải nổi chi phí thường xuyên".

"Nếu như không đổi mới thì sẽ trở thành cản trở sự phát triển của nhà trường. Bởi vì nhà trường sẽ thiếu nguồn lực để đào tạo có chất lượng. Tuy nhiên, thu bao nhiêu để không lạm dụng thì Bộ GD&ĐT đã có quy định, hướng dẫn. Phải có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước", GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội cho biết.

Nhưng xét ở góc độ người học, việc tăng học phí đem lại không ít áp lực do đó, cần phải có những nguồn lực khác nhau để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên khó khăn.

Để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình người học, Bộ GD&ĐT đã đề nghị giữ ổn định học phí trong năm nay. Dự kiến, từ 2022, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước