Với mục tiêu nỗ lực dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dạy nghề và tăng cường giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ngày 19/12/2011, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ - HĐND về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Nghị quyết gồm 4 nhóm chính sách về dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, hướng nghiệp, phân luồng và giải quyết việc làm.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập ban chỉ đạo các cấp đến tận xã, phường, tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đưa nội dung Nghị quyết và thông tin về dạy nghề, việc làm đến cấp cơ sở và người lao động. Tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành rà soát, sắp xếp và kiện toàn lại mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, giải thể những cơ sở dạy nghề không hiệu quả và thành lập trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu phục vụ cho công tác giải quyết việc làm.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đầu tư 55 tỷ đồng cho 24 lượt cơ sở dạy nghề công lập mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Công tác dạy nghề theo hướng chọn lọc, ở một số nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và những nghề đào tạo nhiều nhân lực cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như cơ khí, điện, công nghệ ô tô, may công nghiệp... Từ năm 2012 - 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ kinh phí học nghề cho 28.143 lượt người với kinh phí trên 61 tỷ đồng.
Với chính sách hỗ trợ tích cực, nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề, giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyển mới được 66.720 người, trong đó cao đẳng nghề 3.387 người, trung cấp nghề và bổ túc văn hóa + nghề 16.787 người, sơ cấp nghề 46.555 người. Đã giải quyết việc làm cho trên 89.421 lao động, trong đó: giải quyết việc làm trong nước là 83.514 người và xuất khẩu lao động 5.907 người. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng công tác dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông thôn. Từ năm 2012 - 2015, tỉnh đã mở được 1.050 lớp bồi dưỡng kiến thức tại các xã phường cho 149.400 người lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 13.3 tỷ đồng. Mở 47 lớp truyền nghề mộc, mây tre đan, rèn cho 580 người lao động tại các xã có làng nghề…
Trong thời gian tới, để công dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị, các cơ quan chức năng có kế hoạch khảo sát nhu cầu học nghề, sử dụng lao động, tình hình việc làm của người học sau đào tạo để xây dựng kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm hằng năm bám sát thực tiễn. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề gắn với dạy ngoại ngữ để nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền đến các đối tượng, vùng miền, giúp người dân nắm rõ các chủ trương chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.