Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.
Vừa qua, câu chuyện Giáo sư Trương Nguyện Thành (người có nhiều năm công tác tại Đại học Utah - Hoa Kỳ) không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã quay trở lại Mỹ làm việc khiến dư luận tiếc nuối vì bỏ lỡ một người tài. Giáo sư Trương Nguyện Thành được Hội đồng quản trị Trường Đại học Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí Hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với tín nhiệm cao. Tuy nhiên, theo quy trình công nhận Hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học hiện hành, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm 5 năm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Từ vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)Nguyễn Thị Kim Phụng đã trao đổi với báo chí về một số nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Giáo dục Đại học nhằm tháo gỡ những "nút thắt" cho các trường trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi để người tài làm việc.
Vừa qua, việc Giáo sư Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nên trở lại Mỹ làm việc đã khiến dư luận cho rằng, vụ việc chưa được xử lý linh hoạt dẫn đến sự ra đi của một người tài. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết phải thống nhất quan điểm: Hiệu trưởng và Giáo sư là hai chức danh rất khác nhau, vì vậy, tiêu chuẩn cũng khác nhau. Tôi không muốn nói đến một trường hợp cụ thể, nhưng nếu có một Giáo sư giỏi nào đó mà không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng cũng không phải vấn đề gây ngạc nhiên hoặc tranh cãi, bởi vì tiêu chuẩn khác nhau. Trên thực tế, nhiều Giáo sư tích lũy kinh nghiệm quản lý… trở thành Hiệu trưởng, nhưng cũng có rất nhiều Giáo sư không bao giờ trở thành Hiệu trưởng. Cũng không vì trường hợp đặc biệt của Giáo sư Thành mà nói rằng, chính sách thu hút nhân tài của nhà nước là không thành công. Vì hiện nay, nhà nước, các cơ sở đang mở rộng cửa để chào đón đội ngũ tri thức này.
Những điểm nghẽn, rào cản, nút thắt vẫn được các bên khai thông trên cơ sở tôn trọng pháp luật và cùng xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả. Vì vậy, nên nhìn trên bình diện rộng hơn là đội ngũ trí thức Việt kiều vẫn đóng góp to lớn cho đất nước. Trường hợp Giáo sư Trương Nguyện Thành, chúng ta đã biết lý do. Quy định của Luật hiện hành là như vậy và các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, luật pháp cũng có tính lịch sử của nó, có quy định phù hợp với giai đoạn này nhưng lại không phù hợp với giai đoạn khác. Vì vậy, các quy định của Luật cũng thường được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý rằng, vấn đề trong vụ việc của Giáo sư Trương Nguyện Thành chưa được xử lý linh hoạt. Nếu Trường Đại học Hoa Sen và ứng viên Hiệu trưởng thực sự quyết tâm cao thì vẫn có cách đạt được sự hợp tác, vẫn đúng luật, không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng ngay ở thời điểm điều đó còn đang trái với luật, hoặc phải chấm dứt hợp tác.
Ví dụ, có thể bổ nhiệm với chức danh là Phó Hiệu trưởng phụ trách để chờ tới lúc Luật thay đổi phù hợp thì có thể bổ nhiệm Hiệu trưởng. Với lộ trình sửa đổi Luật Giáo dục Đại học hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018 thì Giáo sư Thành có thể chỉ phải đợi 1 năm, tức là năm 2019 để Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung có hiệu lực.
Theo bà, vì sao kinh nghiệm về công tác quản lý - nhất là kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học lại là một tiêu chuẩn quan trọng mà Hiệu trưởng phải có?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tiêu chuẩn Hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một minh chứng cho năng lực quản lý đã được thừa nhận của ứng viên Hiệu trưởng, là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này.
Từ thực tế hiện nay, nên tiếp cận tiêu chuẩn này theo hướng có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học nói chung chứ không nhất thiết phải là "kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam" như một số thông tin đã đưa. Bởi vì, khác với quản trị, quản lý nói chung, đặc thù công việc quản lý của Hiệu trưởng trường đại học là quản lý và tạo môi trường làm việc mang tính học thuật cho các nhà khoa học là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Vì vậy, kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là một trong các điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện duy nhất hay điều kiện đủ.
Trong phạm vi quan sát của chúng tôi, ở nhiều nước khác, các trường cũng yêu cầu điều kiện này, với các mức độ, hình thức khác nhau như: Đã có thời gian/kinh nghiệm quản lý ở cấp khoa, phòng hoặc đã từng là Giáo sư, từng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng của các trường khác… hoặc chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn chung và ứng viên sẽ được sát hạch qua hội đồng tuyển chọn để kiểm tra, đánh giá kinh nghiệm, năng lực làm việc.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, quy định về tiêu chuẩn này có được mở hơn không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, Luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và tiêu chuẩn trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Đó cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Ở 3 dự thảo đầu, Ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở "có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học". Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do Hội đồng trường, Hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.
Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp…), nhiều ý kiến góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2 Điều 20 của Luật hiện hành; quy định trên tại Dự thảo 3 chưa rõ… cần quy định để định lượng rõ về tiêu chuẩn này. Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ Dự thảo lần 4, Ban soạn thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn này "có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên". Nội dung của dự thảo không hạ thấp, vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm quản lý ở cơ sở giáo dục đại học (đã bao hàm ở cả các cơ sở giáo dục đại học khác ở Việt Nam hay nước ngoài) mà còn có thể có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ…
Dự thảo Luật hiện nay cũng bỏ quy định về thủ tục Hiệu trưởng trường đại học tư thục phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận (trong Điều lệ trường đại học) mà quy định trực tiếp "Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định". Qua hai dự thảo 4, 5 cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.
Song đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung này (và các nội dung khác) của Dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản Luật và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa Dự thảo để ngày càng hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn Hiệu trưởng để tạo ra mặt bằng chất lượng tối thiểu trong cả hệ thống đối với chức danh quản lý quan trọng này, vừa đảm bảo quyền của Hội đồng trường/Hội đồng quản trị nói riêng, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung trong việc lựa chọn Hiệu trưởng. Hội đồng trường/Hội đồng quản trị mới là người phải giải trình một cách thuyết phục với nhà trường, cổ đông và các bên liên quan về sự lựa chọn Hiệu trưởng...
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!