Theo Bộ Giáo dục vào Đào tạo, đến 17h chiều 12/8 đã có hơn 394.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, trên tổng số 404.000 thí sinh đạt ngưỡng điểm sàn, đạt tỷ lệ hơn 97%. Các trường sẽ tải dữ liệu từ Bộ Giáo dục - Đào tạo để tổng hợp dữ liệu hồ sơ đăng ký của các thí sinh, tiến hành thủ tục xét tuyển ngay trong tối 12/8. Nhiều trường có thể sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 13/8 nếu hoàn thành sớm thủ tục xét tuyển.
Đánh giá về đợt xét tuyển đầu tiên, đại diện nhiều trường cho biết, đây là một đợt xét tuyển thành công cho cho cả thí sinh và các trường Đại học, cũng là thành công trong việc tiếp thu những ý kiến góp ý từ xã hội của Bộ Giáo dục và Đào tạo so với kì tuyển sinh năm 2015.
Đến 17h chiều 12/8 đã có hơn 394.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, trên tổng số 404.000 thí sinh đạt ngưỡng điểm sàn, đạt tỷ lệ hơn 97%
“Ưu việt mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất là việc thí sinh không có sự tích tụ tập trung, không có sự lo lắng khi nộp đơn xét tuyển. Chúng tôi quan sát trong 12 ngày, cảm nhận thấy các thí sinh và phụ huynh đều rất tự tin khi tới đăng ký và làm thủ tục rất nhanh chóng.
Về nhược điểm, chỉ có một vài trục trặc nho nhỏ, như một vài em ghi sai mã ngành, ghi sai nguyện vọng. Trong những trường họp ấy chúng tôi đã kiến nghị với Bộ và chúng tôi được biết là Bộ cũng đã sửa cho các em đó rồi”, PGS/TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Đại học kinh tế Quốc dân cho biết.
“Thuận lợi dành cho thí sinh, khó khăn là dành cho các trường”
Mặc dù đánh giá có nhiều thành công xong, PGS/TS Bùi Đức Triệu cũng khẳng định, nỗi lo lớn nhất của các trường ở thời điểm này là hồ sơ ảo, trúng tuyển ảo do phương thức tuyển sinh này cũng như đề án tuyển sinh tự chủ tạo ra.
“Theo quy định, mỗi em được đăng ký hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Vậy một em điểm cao có thể đỗ được 2 trường. Hai trường mà chỉ có 1 thí sinh đồng nghĩa việc trúng tuyển sẽ tăng lên gấp đôi tương đương 100%. Ví dụ có em tới đây nói em đã đỗ 3 trường gồm Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia (các trường tuyển sinh bằng phương án riêng – PV) và còn đăng ký thêm hai trường nữa. Như vậy, một thí sinh có thể đỗ hơn 3 trường. Do đó, dữ liệu không chắc chắn, tỷ lệ ảo rất bất định”, PGS, TS Bùi Đức Triệu giải thích.
Một trường "hot" như Đại học Kinh tế Quốc dân cũng phải đối diện với nỗ lo "Hồ sơ ảo"
Cũng theo thầy Triệu, việc xác định tỷ lệ ảo là bao nhiêu rất khó khăn do đây là năm đầu tiên thực hiện phương án tuyển sinh này, hoàn toàn không có dữ liệu lịch sử để các trường dự đoán.
“Đó là nỗi lo lớn với các trường. Còn với các em thí sinh, phương thức này đã tạo điều kiện tối đa cho các em trong việc chọn trường, chọn ngành. Với quan điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo là “thuận lợi dành cho thí sinh, khó khăn dành cho các trường” thì mục đích này đã đạt được cho kì xét tuyển này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!