Là giáo viên đang trực tiếp dạy môn Lịch sử ở khối trung học cơ sở, thầy Vịnh nắm rõ những thay đổi của chương trình mới. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Ninh - tác giả của sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 - khẳng định, điểm mới của chương trình lần này ở cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử ở cấp này là những nội dung chuyên sâu.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử bảo đảm đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo ngại là từ thiết kế chương trình đến thực tế triển khai sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Là giảng viên có hàng chục năm dạy sử ở các cấp học khác nhau, thầy Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên Cao cấp Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết tâm lý, nhận thức tiếp nhận bộ môn học này ở các lứa tuổi là khác nhau.
GS Lê Thanh Bình, đồng tác giả của sách giáo khoa Lịch sử 10 chương trình mới, cũng phân tích ở cấp THPT có rất nhiều chuyên đề hữu ích, có ý nghĩa giáo dục đối với mọi học sinh mà ở cấp dưới các em chưa được học.
Đánh giá khách quan, các chuyên gia cũng dự báo: Với tính chất hướng nghiệp thì số học sinh lựa chọn môn Lịch sử sẽ rất ít bởi hiện các nghề nghiệp liên quan đến bộ môn này không nhiều. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa ai tính được sẽ có tỉ lệ bao nhiêu % học sinh được học trọn vẹn bộ môn Lịch sử trong chương trình mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!