Có ý kiến cho rằng cách chấm điểm này gây áp lực, khiến học sinh chỉ lo đi kiếm "like, share" để có điểm tốt. Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến ủng hộ cách làm mới, trúng tâm lý học sinh và khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách có ích, phục vụ việc học tập trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Một số học sinh khối lớp 11 và 12 đã xem vở kịch "Yêu là thoát tội" và làm bài thu hoạch, chia sẻ trên mạng xã hội. Quang Tùng cho biết, bài viết của em nhận được trên 100 lượt like, share và nhiều ý kiến phản hồi nhưng tiếc là không được cộng điểm nào. Tùng rất ủng hộ cách đánh giá mới của nhà trường khi cộng thêm 1 - 2 điểm thưởng cho việc tương tác trên mạng xã hội.
Một số phụ huynh có ý kiến khác nhau trước cách đánh giá mới này của nhà trường, có người băn khoăn cho rằng việc chấm điểm dựa trên like, share trên mạng xã hội rất ảo nên phải do giáo viên đứng lớp đánh giá, "cầm cân nảy mực". Trong khi đó, có ý kiến ủng hộ cho rằng cách làm mới mang đến nhiều lợi ích và phát huy tiềm năng của học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số.
Lý giải về việc cộng điểm cho bài viết có tương tác tốt trên mạng xã hội, nhà trường cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới khuyến khích các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường cũng như cách đánh giá học sinh. Việc các em học sinh chia sẻ góc nhìn, nói lên suy nghĩ của mình, lan tỏa và được nhiều người phản hồi trên mạng xã hội sẽ giúp không ít học sinh phát huy năng lực tiềm ẩn mà trước giờ chưa được ghi nhận.
Một số giáo viên cho rằng, nhà trường đổi mới cách đánh giá học tập để tạo động lực và mang đến sự mới mẻ cho cả học sinh và giáo viên. Thầy cô là người đồng hành, dẫn dắt chứ không chỉ truyền đạt kiến thức và đánh giá tất cả mọi hoạt động học tập, trải nghiệm của học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!