Người dân sử dụng nước sạch.
Là đô thị có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất cả nước, TP.Hồ Chí Minh phải song hành đối mặt với thách thức vừa đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất cũng như kiểm soát chất lượng nguồn nước thải ra môi trường.
Để từng bước giải quyết thách thức trên, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Dự án Vệ sinh môi trường thành phố với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố để giải quyết, xử lý nước thải của khu vực trung tâm thành phố.
Tiết kiệm nước sạch là bảo vệ nguồn sống
Kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 cho thấy, hiện người dân sử dụng 2 nguồn nước chính cho sinh hoạt là nước máy và nước giếng khoan. Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước máy tính chung cho toàn phành phố là 94,8%, trong đó 98,9% hộ dân ở khu vực dự án (quận 2) và 89,4% hộ dân ở các khu vực còn lại của thành phố. Tỉ lệ hộ sử dụng nước giếng khoan, tính chung cho toàn thành phố chỉ chiếm 4,8%, trong đó 1% ở khu vực dự án ở quận 2, nhưng chiếm đến 9,6% ở khu vực ngoài dự án.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt trong khu vực dự án tại Quận 2.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt tại các khu vực còn lại của thành phố.
Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện hệ thống cấp nước sạch của TP.Hồ Chí Minh có tổng công suất cấp nước sạch là 2.400.000m3/ngày. Công suất vận hành thực tế của các nhà máy khoảng 1.820.000m3/ngày để cung cấp nước cho khoảng 10 triệu dân Thành phố (hơn 1,5 triệu đấu nối khách hàng) phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và các mục đích khác.
Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, TP.Hồ Chí Minh chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cung cấp trên 90% lượng nước thô. Tuy nhiên, do nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh nên thời gian qua nguồn nước mặt có xu hướng gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng do Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu dân cư. Các hoạt động này đã xả nguồn nước thải ô nhiễm ra các con sông rất lớn.
Kết quả nghiên cứu đánh giá của các đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như số liệu giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác theo dõi diễn biến chất lượng nước do Sawaco thực hiện cho thấy cả 2 nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm hữu cơ, ammonia, vi sinh… ở mức tiệm cận và có thời điểm vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là chất lượng nước thô sông Sài Gòn.
"Mặc dù với năng lực công nghệ hiện tại Sawaco vẫn luôn đảm bảo xử lý được nguồn nước sạch an toàn, đạt chất lượng nhưng ô nhiễm nguồn nước sông dự báo nhiều rủi ro rất đáng quan ngại trong tương lai. Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước, thì tác động của biến đổi khí hậu mà đặc biệt là xâm nhập mặn vào mùa khô cũng là một trong những thách thức lớn đối với ngành nước nên cần có những giải pháp thông minh để chủ động được với những diễn biến bất thường", ông Khuyên cho hay.
Theo quy định, trước khi nước sạch đến tận các hộ gia đình phải trải qua 14 bước xử lý cơ bản. Nguồn nước từ sông qua hệ thống ống dẫn, được lọc bằng màng và đưa tới nhà máy xử lý. Tại đây, nước được tách cát, lọc gạn và xử lý hóa chất, diệt vi trùng, đưa vào bể lắng, bể lọc rồi chứa trong các bể chứa hoặc bơm đến hệ thống phân bố cho người sử dụng.
Nâng cao tỷ lệ nước thải được xử lý
Thống kê của Sở Tài Nguyên Môi trường TP.Hồ Chí Minh, lượng nước thải sinh hoạt đô thị của địa phương này thải ra khoảng 1.750.000m3 mỗi ngày. Và trong số đó, mới chỉ khoảng 21,2% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý. Như vậy vẫn còn gần 80% nước thải trực tiếp xả thẳng ra kênh, rạch, môi trường gây nên những hệ lụy không nhỏ cho môi trường sống. Nhiều ý kiến cho rằng, ở một đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh nếu chỉ xử lý được một phần nhỏ rồi xả thải trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành, gây ô nhiễm môi trường nước là điều vô cùng lo ngại.
Chia sẻ về vấn đề ô nhiễm kênh rạch do xả nước thải bừa bãi ra môi trường, ông Phạm Thành Sơn (63 tuổi, ngụ Quận 3) cho biết, dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ để cải tạo nhưng đến nay con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn chưa hết ô nhiễm do nước thải chưa qua xử lý vẫn đổ về đây. Và ông cũng như người dân sống xung quanh con kênh này đã phải chứng kiến nhiều lần cá chết nổi trắng cả dòng kênh – Đây là minh chứng "nhãn tiền" cho hậu quả của việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân cũng như xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị có chất lượng sống tốt, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang triển khai đồng loạt 7 nhà máy xử lý nước thải đô thị, gồm nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày, nhà máy Tham Lương – Bến Cát giai đoạn 1 công suất 131.000 m3/ngày, nhà máy Nhiêu Lộc – Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày, nhà máy Tân Hóa – Lò Gốm công suất 300.000 m3/ngày, nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000 m3/ngày, nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày và nhà máy Bình Tân có công suất 180.000 m3/ngày.
"Lộ trình đến năm 2020, 80% tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn Thành phố sẽ được xử lý, giải quyết căn cơ tình trạng nước thải thải ra môi trường chưa qua xử lý như hiện nay", ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Lâm - chuyên gia tài nguyên nước, kiến nghị giải pháp hạn chế xả thải ra môi trường, đó là cần có chế tài đủ mạnh để giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý xả thải, bởi vấn đề này ở nước ta vẫn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. "Chúng ta không thiếu những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xả thải và môi trường nhưng trên thực tế việc triển khai còn rất yếu và rất thiếu công cụ hỗ trợ. Có nhiều ý kiến cho rằng quy chuẩn và tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn khu vực và thế giới rất nhiều", bà Nguyễn Thị Phương Lâm nhấn mạnh.
Cùng với đó, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, bà Nguyễn Thị Phương Lâm cho rằng, nên có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hành vi xả nước thải, đổ nước thải sinh hoạt trực tiếp ra ao hồ, kênh, sông mà không cho vào hệ hệ thống cống thu gom nước thải là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hành vi vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các chất độc hại vượt các thông số cho phép vào môi trường, có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 300 triệu đồng tùy vào mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật và khối lượng nước thải.
Trước thực tế trên, người dân có thể thực hiện để bảo vệ nguồn nước như sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, sinh hoạt hàng ngày, tái sử dụng nước đã qua sử dụng một lần như nước rửa rau lần cuối để rửa sơ qua các vật dụng làm bếp trước khi rửa lại bằng nước sạch hoặc dùng để tưới cây, đồng thời dùng lại nguồn nước bồn tắm, nước mưa vào những việc thích hợp để tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, người dân có thể giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác bừa bãi, không phóng uế bậy, không xả thải trực tiếp vào nguồn nước kênh, sông.
Kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 cho thấy có 26,2% người dân kể ra được ít nhất 2 lợi ích của việc tiết kiệm nước sinh hoạt, đồng thời có 42% người dân kể ra được ít nhất 2 lợi ích của việc giảm ô nhiễm nguồn nước.
Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước máy tính chung cho toàn phành phố là 94.8%, trong đó 98.9% hộ dân ở khu vực dự án và 89.4% hộ dân ở khu vực ngoài dự án. Tỉ lệ hộ sử dụng Nước giếng khoan, tính chung cho toàn thành phố chỉ chiếm 4,8%, trong đó 1% ở khu vực dự án ở quận 2, nhưng chiếm đến 9,6% ở khu vực ngoài dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!