Thu gom rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường

P.V-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 10:47 GMT+7

VTV.vn - Thu gom rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Nâng cao nhận thức của người dân về thu gom rác thải sinh hoạt và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng là một trong những giải pháp nhằm phát huy tích cực những thành quả mà dự án Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã thực hiện trong việc thay đổi môi trường sống của người dân cũng như những hiệu quả trong tương lai khi thực hiện dự án giai đoạn 2.

Thu gom rác thải đúng cách

Thu gom rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Theo kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2, hiện nay nhiều người dân đã có nhận thức đúng về thu gom rác thải đúng cách, một số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn tùy theo từng khu vực, những hộ không ở trong khu vực triển khai dự án (quận 2) cũng có sự hiểu biết về phân loại rác tại nguồn.

Hộ ông Nguyễn Quang Thành ở Phường 1, quận Bình Thạnh, cho biết: Gia đình tôi xử lý rác thải bằng cách gom rác, bỏ vô xô rồi đem ra đường cho nhân viên thu gom người ta mang đi. Tôi có nghe về chương trình phân loại rác trên báo đài nhưng gia đình ít rác nên chưa thực hiện.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại thành phố hiện nay hơn 8.900 tấn/ngày. Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý tại 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, bao gồm Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, xử lý bằng công nghệ chôn lấp, công nghệ tái chế nhựa, làm compost (phân vi sinh).

Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: "Sở đã xây dựng chiến lược tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn mang tính hiệu quả, thường xuyên, chuyên nghiệp vì đây là chương trình dài hơi của thành phố. Sở và các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, sở sẽ phổ biến cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom dân lập biết về hỗ trợ cho vay lãi suất chỉ 4,9%/năm từ Quỹ bảo vệ môi trường của sở nhằm thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải".

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và dễ dàng thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra đời ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Hiện ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play store của hệ điều hành Android hoặc Apps store của hệ điều hành IOS, mọi người sử dụng các dòng điện thoại thông minh tìm kiếm ứng dụng với từ khóa "phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn", tải về và cài đặt.

Trong hướng dẫn, chất thải hữu cơ dễ phân hủy bao gồm bã mía, bã trà, cà phê, bã trà túi lọc, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các thành phần thải bỏ của nguyên liệu thực phẩm, các loại vỏ hạt, hoa, cỏ được cho vào túi màu xanh có dán nhãn trước khi chuyển cho đơn vị thu gom. Chất thải có khả năng tái chế gồm tạp chí, sách báo, giấy, đồ dùng bằng nhựa, các loại đồ vật bằng cao su, đồ kim loại, vỏ hộp giấy, đồ dùng bằng thủy tinh…. được phân loại và tái sử dụng, tái chế. Các chất thải còn lại được cho vào túi màu xám, được vận chuyển đến nơi xử lý để chôn lấp hoặc đốt.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Bên cạnh ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thời gian tới, Sở cũng sẽ nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát các công đoạn này, tạo sự chuyển biến thực sự của người dân đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi

Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai đã góp phần cải tạo, thay đổi bộ mặt của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, để duy trì, đảm bảo "dòng kênh xanh" này, vấn đề xử lý rác thải, nước thải là yêu cầu cấp bách thường xuyên.

Theo kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2, cho thấy: Tỷ lệ người dân nhận thức được lợi ích của việc không xả rác xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như "làm đẹp cảnh quan" và "không làm ô nhiễm nguồn nước" đạt trên 60%. Các lợi ích khác như "thu hút khách du lịch", "bảo vệ nguồn lợi thủy sản" chỉ được ghi nhận với tỉ lệ thấp (từ 6% đến 9%). Có nhiều người dân cho rằng: "Vẫn có nhiều người câu cá, thậm chí họ thả cần câu ngay tại biển cấm mọi hình thức đánh bắt cá. Có người bảo đi câu là để giải trí. Giải trí thì vẫn là câu cá. Nguồn lợi thủy sản mà có tăng thì những người này hưởng lợi hết".

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đảm nhận việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết: Hiện đơn vị sử dụng 13 tàu, thuyền các loại, vớt rác trên đoàn kênh dài 9 km, lượng rác mỗi ngày vớt được khoảng 9 tấn, trong đó phần lớn là rác thải sinh hoạt và thực phẩm do các hộ kinh doanh ăn uống và hộ dân trên đường Hoàng Sa, Trường Sa vứt xuống, còn lại là do rác từ cống đổ ra cũng như do người dân qua lại trên đường vứt xuống.

Ghi nhận thực tế thời gian qua, rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước trên kênh, đã hai lần xảy ra tình trạng cá dưới kênh chết nổi trắng mặt nước do nguồn nước bị ô nhiễm. Rác thải bị vứt xuống kênh không chỉ làm ô nhiễm môi trường nước, phát sinh mùi hôi thối khó chịu mà còn làm nghẹt cống và các cửa xả, làm mất mỹ quan đô thị dòng kênh và ảnh hưởng đến tuyến du lịch bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện.

Thu gom rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Biểu đồ kết quả khảo sát tỷ lệ % nhận thức của người dân về lợi ích của việc không đổ rác xuống kênh NL-TN

Hiện nhiều hộ gia đình vẫn có thói quen để rác trước nhà, trên vỉa hè bất kể thời gian trong ngày để các đơn vị thu gom, tuy nhiên việc này lại trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Thực tế trên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân để rác đúng nơi quy định và phù hợp với thời gian của đơn vị thu gom nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị thu gom rác, ngành tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương cần bố trí các thùng rác lớn chứa rác trên các tuyến đường, trong các con hẻm để người dân tập trung rác thải sinh hoạt hộ gia đình, chấm dứt tình trạng để rác lung tung trên đường và trong khu dân cư.

Việc xả rác bừa bãi ở nơi công cộng, xuống các kênh rạch không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn là hành vi phạm pháp luật bị xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/11/2016 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Điều 20 của Nghị định 155 quy định rõ, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Vì vậy, người dân cần tự nâng cao nhận thức trong việc thu gom rác đúng cách, không xả rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh môi trường và không vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng ta hãy tích cực thực hiện giải pháp 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế), những hành vi thân thiện với môi trường vì một xã hội bền vững.

Thu gom rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Thùng phân loại rác

Thu gom rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Sáng kiến người dân phân loại rác.

Thu gom rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Người thu gom vận chuyển rác là những người phân loại rác nhanh nhất, chính xác nhất và chỉ phân 2 loại: Tái chế được (Bán được) và không bán được!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước