Bánh mỳ mỏ - Nơi duy nhất ở Việt Nam bánh mỳ làm ra không để bán

Hoàng Long-Thứ năm, ngày 29/09/2016 05:00 GMT+7

VTV.vn - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long đã có những trải nghiệm khó quên trong quá trình đi tác nghiệp tại vùng đất mỏ Quảng Ninh và được thưởng thức một loại bánh mỳ vô cùng đặc biệt.

Chia sẻ với Báo điện tử VTV News, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long bày tỏ sự xúc động khi nhớ lại những tháng ngày tác nghiệp thực hiện bộ phim tài liệu Tôi là người thợ lò tại vùng đất mỏ Quảng Ninh. Anh cho biết: "Sau chuyến công tác dài ngày nơi đất mỏ, được làm việc cùng thợ lò, ăn cùng họ, tắm cùng họ mới thấm thía những giọt mồ hôi ướt đầm và cuộc sống còn đầy những khó khăn của những người công nhân đất mỏ Quảng Ninh. Quà mang về cho gia đình là mấy chiếc bánh mỳ, thoạt nhìn như những chiếc bánh mỳ khác. Ấy thế mà phải thân lắm, quý lắm khách mới được mang những chiếc bánh ấy về làm quà. Và câu chuyện đằng sau những chiếc bánh mỳ mỏ cũng đã mang đến cho tôi những xúc cảm đáng quý, những trải nghiệm tuyệt vời mà nghề báo mang lại cho mình".

Bánh mỳ mỏ - Nơi duy nhất ở Việt Nam bánh mỳ làm ra không để bán - Ảnh 1.

"Có lẽ không ngoa khi nói rằng, duy chỉ có ở những mỏ than ở Quảng Ninh mới có loại bánh mỳ này, bánh mỳ không phải để bán. Nhà bếp của khu mỏ tôi đến – Mông Dương, gây ấn tượng bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp như một nhà hàng quy mô lớn. Và điều đặc biệt chính là lò bánh mỳ, nơi 10 cô thợ bánh làm việc ngày đêm. 3.000 chiếc bánh mỳ trong 24 giờ, phục vụ 3.000 công nhân làm việc liên tục suốt ngày đêm. Mỗi người thợ khi xuống lò sẽ nhận 1 suất ăn giữa ca gồm 1 chiếc bánh mỳ và 2 hộp sữa. Và ở độ sâu 300m dưới lòng đất, những chiếc bánh mỳ ấm lòng người thợ. Anh em thợ lò vẫn thường tếu táo, đây là cái nghề "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ". Chiếc bánh mỳ có khi theo người thợ trở về với gia đình sau 8h làm việc, cho vợ, cho con, như sự sẻ chia ngọt ngào và cả nỗi vất vả. Có lúc tôi đã thoáng giật mình, chiếc bánh mỳ nhỏ bé ấy có sức mạnh thật lớn lao, như chất keo hạnh phúc".

Bánh mỳ mỏ - Nơi duy nhất ở Việt Nam bánh mỳ làm ra không để bán - Ảnh 2.

"Dưới 300m chỉ có ánh đèn trên mũ le lói, tôi chẳng còn nhận ra ai (và có lẽ cũng chẳng ai nhận ra tôi) bởi gương mặt cả thân mình người thợ bụi than đã phủ đầy. Lúc ấy mới phát hiện ra bánh mỳ mỏ còn có một "nhiệm vụ" rất đặc biệt đó là dùng những chiếc bánh mỳ đang ăn lau mồ hôi trên mặt mình. Vậy mới thấy sức mạnh phi thường của chiếc bánh mỳ nhỏ bé" - đạo diễn Nguyễn Hoàng Long chia sẻ - "Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với những người thợ lò đã nghỉ hưu, có những quản đốc, giám đốc tâm sự rằng lâu lâu họ lại ghé về mỏ "xin" chiếc bánh mỳ về ăn để nhớ những ngày tháng bên anh em".

Đã từng đến nhiều nơi, ăn nhiều loại bánh với nhiều hương vị khác nhau nhưng chiếc bánh mỳ mỏ này đã khiến đạo diễn Nguyễn Hoàng Long ngỡ ngàng khi lần đầu và rất nhiều lần sau nữa được ăn. Anh nói: "Ngành than được 80 năm, cũng là 30 năm những chiếc bánh mỳ mỏ đồng hành cùng thợ lò. Tôi cũng đã thực sự ngạc nhiên khi chia sẻ về chiếc bánh mỳ mỏ và nhận được những lời nhắn gửi từ bạn đọc. Phần lớn họ là con em đất mỏ, tuổi thơ gắn liền với những chiếc bánh mỳ mỏ mà ông/cha/chú mang về, và mãi tận sau này mới hiểu được cha mẹ đã nhường cho mình những gì ngon nhất. Bánh mỳ là ký ức, là tuổi thơ day dứt khôn nguôi của nhiều người".

Bánh mỳ mỏ - Nơi duy nhất ở Việt Nam bánh mỳ làm ra không để bán - Ảnh 3.

Chiếc bánh mỳ mỏ sau 30 năm có thể không còn được như xưa, nỗi vất vả của anh em thợ lò cũng giảm đi nhiều, nhưng tình cảm của những người thợ lò với bánh mỳ mỏ vẫn như xưa. Đó là thứ tình cảm, văn hoá của người thợ lò. Họ tự hào là công nhân mỏ!

Phim tài liệu Tôi là người thợ lò của đạo diễn Nguyễn Hoàng Long sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 vào tháng 11. Mời quý vị chú ý theo dõi!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước