Loài voi đang bị thảm sát dưới bàn tay của con người
Một bộ phim được ghi hình trong đúng một tuần, nhiều hình ảnh độc đáo lại là hình tư liệu, điều gì làm nên thành công của bộ phim?
Đạo diễn Trần Uy: Đúng. Những hình ảnh tôi quay được không phải quá xuất sắc. Những hình ảnh ấn tượng nhất là hình tư liệu. Cái cứu vãn là câu chuyện phía sau hình ảnh đấy, tuy nhiên, tôi vẫn chưa ưng bởi bộ phim thiếu trường đoạn mà tiết tấu khác so với những trường đoạn còn lại.
Vậy thì anh phải chuẩn bị một kịch bản phim rất chi tiết và kỹ càng?
Đạo diễn Trần Uy: Cho đến khi vào Tây Nguyên tôi vẫn chưa có kịch bản cho phim này. Kịch bản chi tiết chỉ có sau khi ghi hình xong, tại sao lại thế? Phim này (Cuộc xung đột giữa người và voi) chúng tôi không thực hiện khảo sát trước khi chính thức bấm máy. Nhiều câu chuyện trong phim, chỉ đến khi vào Tây Nguyên tôi mới biết. Đó là khó khăn, đòi hỏi khả năng xoay sở tại chỗ phải tương đối nhanh.
Với nhiều "cái khó" như vậy, anh có thể chia sẻ kỹ thuật xử lý đề tài này?
Đạo diễn Trần Uy: Đó là cảm xúc và sự hấp dẫn. Hãy bắt đầu với cách lựa chọn đề tài đàn voi Tây nguyên, chúng tôi hoàn toàn có thể làm một bộ phim để nói về đời sống của đàn voi ở góc độ khoa học như đặc tính, tính sinh học, hoặc các kiến thức khoa học về đàn voi. Hoặc có thể tổ chức một chuyến đi để tìm voi rừng. Nhưng chúng tôi lựa chọn cuộc xung đột đàn voi với con người, đó là câu chuyện giật gân nhất. Đó là sự khôn lỏi, giật gân bao giờ cũng hay hơn. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra câu hỏi, vào thời điểm này chúng ta nói chuyện gì có ích nhất? Tôi chọn xung đột giữa đàn voi với con người là một câu chuyện có ích, góp tiếng nói đấu tranh cho sự sinh tồn đàn voi ở Tây nguyên. Vì thế, những chất liệu chúng tôi đưa vào trong phim bao gồm rất nhiều thứ mâu thuẫn, những câu chuyện nghịch lý, xung đột, bất cập, sự căng thẳng và những "thứ" đặc biệt.
Bộ phim là mâu thuẫn giữa người và người, voi và người, người và voi, voi và voi... mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Những mâu thuẫn, xung đột là thứ câu khách, với từng đấy chất liệu nó làm tăng thêm tính hấp dẫn cho bộ phim.
Kinh nghiệm rút ra, nếu để ý hơn một chút khi lựa chọn đề tài thì phải có tính vấn đề cao. Nếu tính vấn đề cao bao gồm nhiều mâu thuẫn, nghịch lý, đề tài đấy có nhiều cơ may thành công, còn lại là kỹ thuật, là cách chúng ta kể câu chuyện đấy như thế nào.
Hình dung ra cách kể chuyện mạch lạc. Phần sau hoặc là phần kết nối, giải thích cho phần trước, hoặc là bước ngoặt, hay thậm chí là mâu thuẫn của phần trước nó. Đó là cách kể để khán giả ngồi xem tiếp phần sau của bộ phim.
"Bộ phim là mâu thuẫn giữa người và người, voi và người, người và voi, voi và voi... mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Những mâu thuẫn, xung đột là thứ câu khách, với từng đấy chất liệu nó làm tăng thêm tính hấp dẫn cho bộ phim"- đạo diễn Trần Uy.
Những "thứ" đặc biệt anh nhắc đến là..?
Đạo diễn Trần Uy: Đó là câu chuyện của một ông già sống giữa rừng, là chuyện ngoài dự kiến. Khi chúng tôi đến lâm trường để ghi nhận sự tàn phá của đàn voi thì được nghe kể về nhân vật. Ông già đấy là sự may mắn, ông là người cuối cùng còn sống kiểu đấy. Chúng tôi quyết tâm đi ngay trong đêm để gặp nhân vật đặc biệt này. Những vấn đề lớn hơn của đàn voi, thực chất là vấn đề của con người. Ông già đó đã không về buôn bởi lý do, không có đất để trồng trọt, thông điệp đấy lặp đi lặp lại, người thiếu đất, voi mất rừng,.. những dự án mau chóng được hợp thức hoá trên mảnh đất đã quy hoạch cho bảo tồn voi.
Nếu chúng ta càng có nhiều chuyện kỳ lạ và đặc biệt, đó là chuyện hay. Nếu đẩy hàm lượng, số lượng chuyện kỳ lạ đấy vào trong phim càng nhiều thì bộ phim sẽ trở nên đặc biệt. Tuy nhiên, đẩy vào cũng cần có thông điệp để bộ phim không rời rạc.
Tôi vẫn phải nói rằng, nhiệm vụ của người đạo diễn là cố gắng tập hợp được càng nhiều chuyện hay càng tốt, mặc dù ban đầu chưa biết nhét nó vào đâu, nhưng có chuyện hay thì cứ phải gom lại đã. Như vậy, chúng ta sẽ phải tìm chi tiết hay, gom lại, sắp xếp logic,.. Cũng vì thế, đòi hỏi chúng ta phải tỉ mỉ hơn, khắt khe hơn trong lựa chọn thông tin để đưa vào phim.
Các PV, BTV của Ban Khoa giáo xem phim "Cuộc xung đột giữa người và voi"
Lời bình trong phim của anh ngắn gọn, xúc tích nhưng cũng có quá nhiều chi tiết, liệu chúng ta có thể tiết giảm lời bình để tăng thêm tính chân thực cho bộ phim?
Đạo diễn Trần Uy: Đối tượng khán giả chúng ta hướng tới có nhiều tầng nấc, hiểu biết, trình độ khái quát của họ khác nhau, những người có trình độ khái quát tốt, thì bộ phim không cần nhiều lời bình người ta cũng hiểu. Còn những người không có trình độ khái quát là đa số thì họ không thể nhớ nổi những thông điệp khái quát, mà họ chỉ nhớ tiểu tiết, ai cũng vậy, ở trình độ khái quát khác nhau, tình tiết khiến họ nhớ. Suy cho cùng, mục đích của bộ phim là để khán giả nhớ đến con voi đang ở trong tình thế nguy hiểm.
Lời bình ngắn gọn là nguyên tắc không phải sở thích. Truyền hình nói chuyện bằng câu đơn. Lời bình phải ngắn gọn, đơn giản, nếu dùng khái niệm trừu tượng khái quát, to tát, đó là rủi ro, vì nếu không kiểm soát được hàm ý của khái niệm đấy sẽ gây ra những cách hiểu sai. Vì thế, câu từ sử dụng phải đảm bảo chắc chắn là chính xác để mọi người không hiểu sai. Với những vấn đề không nhậy cảm chuyện đấy nhẹ nhàng, nếu động đến vấn đề nhạy cảm dùng khái niệm quá lớn, quá to tát, đó là việc nguy hiểm.
Nếu có đầy đủ các điều kiện thời gian, tiền bạc.. anh sẽ làm lại bộ phim như thế nào?
Đạo diễn Trần Uy: Tôi sẽ làm lại hết mức có thể những câu chuyện không kể được bằng hình ảnh ở trong phim này. Nếu có thời gian, tôi sẽ đi theo đàn voi rừng, theo dõi câu chuyện xung đột giữa đàn voi nhà và voi rừng. Xem câu chuyện về voi sinh sản như thế nào. Chuyện về cách hành xử của con voi, cách hành xử của con người và con voi với nhau.