Rủi ro từ phương thức thanh toán
5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Italy với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng. Theo hướng dẫn của người mua, các doanh nghiệp nộp hồ sơ gốc cho ngân hàng Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Sau đó, ngân hàng Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán Thổ Nhĩ Kỳ của người mua.
Tuy nhiên, ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, người mua không phải khách hàng của họ và đã gửi trả lại toàn bộ chứng từ cho phía ngân hàng Việt Nam. Với các bộ chứng từ gửi đến ngân hàng tại Italy thì đều được thông báo là không phải bản gốc, tờ Công Thương thông tin.
Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp và ngân hàng đã nỗ lực tìm cách giữ hàng, thu hồi bộ chứng từ. Nhưng trong số 100 bộ chứng từ của 36 container đã và đang đến các cảng của Italy đang thất lạc chứng từ. Điều này đồng nghĩa các nhà xuất khẩu Việt Nam không còn quyền kiểm soát 36 container hạt điều có giá trị hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng, theo tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Hai bài học cho doanh nghiệp Việt
5 doanh nghiệp xuất khẩu điều kêu cứu. Ngay lập tức Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam vào cuộc để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo báo Đại biểu Nhân dân, nghi án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều Việt Nam tới thời điểm này đã có những dấu hiệu sáng sủa. Cảnh sát Italy quyết định phong tỏa giữ hàng chứ không giao cho người mang chứng từ gốc tới nhận. Cả hệ thống cảng của Italy cũng đã được báo động về vụ việc.
Vụ việc này hiện vẫn chưa kết thúc. Chiêu thức lừa đảo trong thương vụ này cũng không mới, nó đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo từ nhiều năm nay, song điều gì lại khiến các doanh nghiệp sập bẫy? Đây cũng là vấn đề được các tờ báo tập trung phân tích bởi trước nghi án lừa đảo này, một công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa mới đây bị khách hàng ở Trung Đông lừa đảo mất gần 100.000 USD.
Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh.
Những vụ bị lừa đều có những nguyên nhân khá giống nhau đó là các công ty xuất khẩu Việt Nam chưa thẩm định rõ đối tác, thông qua môi giới, thiếu thông tin.
Vì vậy, bài học muôn thủa là phải tìm hiểu, thẩm định kỹ về đối tác cũng như tìm hiểu tính rủi ro của thị trường, nhất là trong điều kiện thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu giao dịch điện tử nhưng nhiều doanh nghiệp đã rất chủ quan, kể cả khi ký hợp đồng lớn.
Bài học tiếp theo, theo phân tích của tờ Đầu tư là phải thường xuyên giữ liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu, liên hệ với các công ty cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng để tìm hiểu về đối tác. Cuối cùng là bài học về tuân thủ nguyên tắc an toàn kinh doanh, trong đó khâu thanh toán được coi là trọng yếu.
Giải pháp tránh tổn thất từ "vụ hạt điều"
Tờ Diễn đàn doanh nghiệp phân tích nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bị lừa là do sơ hở của phương thức thanh toán mà các bên lựa chọn.
Trong vụ xuất khẩu 100 container hạt điều là chọn phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ D/P. Với phương thức này, chỉ cần cầm bộ chứng từ gốc (bản chính) là có thể nhận hàng mà không phải qua bất kỳ khâu kiểm tra hàng hóa.
Theo tờ Đầu tư, có đến 80 - 90% doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều chọn phương thức thanh toán D/P bởi không tốn phí và thủ tục đơn giản.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chiều bạn hàng đến mức không bắt trả tiền đặt cọc hoặc chỉ phải trả ở mức 10% giá trị hợp đồng hoặc trị giá lô hàng. Phương thức này rủi ro ở chỗ là người mua có thể không nhận hàng.
Trong khi đó, phương thức thanh toán L/C ít rủi ro nhất nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất. Lý do là người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng vì phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng nên không ai muốn như thế.
Từ vụ việc này, thêm một lần nữa cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia vào các giao dịch kinh doanh quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp cần cảnh giác, dè chừng trước những đối tác quá vồ vập trong kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!