102 nhà cung cấp nước ngoài nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 20/07/2024 17:37 GMT+7

VTV.vn - Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đã ghi nhận nhiều con số ấn tượng, nhờ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Những con số ấn tượng về thu ngân sách 6 tháng đầu năm

Thu ngân sách Nhà nước lũy kế đến ngày 30/6 đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng và bằng 61% dự toán năm 2024, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ, thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu lại đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5%.

Điều này cho thấy, nguồn thu đã không còn quá phụ thuộc nhiều vào dầu thô, mà sản xuất kinh doanh đã có tín hiệu phục hồi khi số thu qua hoạt động xuất nhập khẩu tăng dần. Điều này cũng dễ hiểu khi mà tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm nay đến hết ngày 15/7 đạt 402,62 tỷ USD, tăng 16,4 % so với cùng kỳ năm 2023.

Có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 68,9%. Con số này là minh chứng rõ nhất về sự hồi phục trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

102 nhà cung cấp nước ngoài nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 1.

Thu ngân sách Nhà nước lũy kế đến ngày 30/6 đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng và bằng 61% dự toán năm 2024, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 68,9% dự toán

Không giống như các sắc thuế khác, thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản thuế doanh nghiệp có lợi nhuận thì mới phải đóng thuế. Nôm na là nếu sản xuất, kinh doanh mà bị lỗ thì không phải đóng loại thuế này. Vậy khi số thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang ngày càng có lãi nhiều hơn. Đây cũng là một trong những nguồn thu quan trọng nhất của Ngân sách Nhà nước.

Có được điều này, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, thì cũng có một phần không nhỏ sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ, khi 6 tháng đầu năm nay đã liên tục ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, gia hạn nộp các loại thuế, liên tục hạ lãi suất cho vay… Từ đó, kịp thời tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính cho sản xuất kinh doanh, sau đó có lợi nhuận thì quay lại đóng góp cho Ngân sách Nhà nước cũng tăng thêm.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần in và bao bì VPC cho biết: "Khi có chính sách giảm thuế thì chúng tôi giảm giá bán sản phẩm, đơn hàng của chúng tôi đã tăng rất nhiều. Năm 2023, doanh thu chúng tôi 188 tỷ đồng. Năm 2024 dự kiến doanh thu sẽ là 200 tỷ. Chúng tôi dự kiến thuế giá trị gia tăng nộp thêm 3 tỷ, thuế thu nhập doanh nghiệp nộp tăng thêm khoảng 1,5 tỷ".

Ông Nguyễn Huy Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhiệt điện Hải Phòng chia sẻ: "6 tháng đầu năm 2024 doanh thu chúng tôi đạt 6.340 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 340 tỷ, hoàn thành 51%. Từ số liệu nên trên cho thấy chính sách miễn giảm thuế VAT và gia hạn nộp thuế của Chính phủ là rất kịp thời, ý nghĩa và thiết thực, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".

"Việc ban hành chính sách giảm thuế VAT cùng chính sách tài khóa của Quốc hội, Chính phủ đã tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Từ đó, tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Minh chứng rõ nhất là ngành thuế Hải Phòng thu được hơn 43 nghìn tỷ đồng, trừ khoản thu từ đất là hơn 26 nghìn tỷ đồng, thì đạt 110,3% dự toán trung ương giao", ông Vũ Huy Khuê - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng cho biết.

Tăng thu thế qua thương mại điện tử

Số thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm nay ước đạt 61,9% dự toán. Số thuế này thường được đến từ 2 nguồn chính đó là thuế đóng góp từ cá nhân người lao động, làm công ăn lương trong các cơ quan, tổ chức, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp. Nguồn thứ hai đến từ các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

6 tháng đầu năm cả 2 nguồn này đều tăng cho thấy thu nhập của người lao động đã được cải thiện. Trong đó, có một phần không nhỏ đến từ số thuế thu nhập cá nhân trên thương mại điện tử. Nếu như cách đây vài năm thì người bán hàng online không có khái niệm phải đóng thuế thì nay mọi việc đã dần thay đổi.

Một chủ cửa hàng cà phê cho biết, mặc dù doanh thu qua thương mại điện tử từ việc kinh doanh cà phê mới chỉ chiếm 20%, nhưng chủ cửa hàng vẫn kê khai nộp thuế thương mại điện tử tại cả 3 cửa hàng ở TP Hà Nội và Bắc Ninh.

Anh Phạm Văn Tuấn Anh - Chủ thương hiệu An Cà phê cho hay: "Tôi bắt đầu kinh doanh qua thương mại điện tử từ năm 2024, tôi chủ động tiếp cận kê khai thuế thông qua các bộ tuyên truyền. Sàn thương mại điện tử họ sẽ gửi thông tin về doanh thu của mình công khai, minh bạch. Tôi cũng biết việc đóng thuế là trách nhiệm nên đã chủ động trong việc kê khai, đóng thuế".

102 nhà cung cấp nước ngoài nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm nay, TP Hà Nội đã thu trên 10 nghìn tỷ đồng từ thương mại điện tử. Trong đó số thuế cá nhân đã nộp, bao gồm cả trường hợp livestream đã tăng 79%. Triển khai Đề án 06, việc khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế với tỷ lệ rà soát lên đến 99,8%. Nhờ đó, Hà Nội đã định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân, hộ kinh doanh qua mạng, từ đó dễ dàng thu thuế.

Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội thông tin: "Cơ quan thuế đã kết nối được căn cước công dân với mã số thuế, dữ liệu dòng tiền tài khoản ngân hàng, dữ liệu vận chuyển, dữ liệu nhân thân để xác định được chính xác dòng tiền, dòng hàng, xác định rõ nghĩa vụ thu ngân sách với cả người nộp thuế".

5 tháng đầu năm nay, toàn ngành thuế cả nước cũng đã thu được 50 nghìn tỷ đồng qua thương mại điện tử.

"Chúng tôi tiếp tục rà sát phối hợp với các bộ ngành rà soát các số liệu trên nền tảng số, để tiếp tục gửi yêu cầu cơ quan thuế các cấp, tập trung hỗ trợ tổ chức cá nhân nộp kịp thời", ông Mai Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết.

6 tháng đầu năm năm nay cũng có 102 nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng cuối năm nay, người dân và doanh nghiệp tiếp tục được thụ hưởng chính sách giãn thuế và tiền thuê đất khoảng 84 nghìn tỷ đồng từ Nghị định 64 của Chính phủ. Đây sẽ là nguồn tài chính không nhỏ để tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.

Chính những chính sách giãn, giảm thuế mà Chính phủ thực hiện suốt thời gian qua, không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà còn được xem là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, đảm bảo an toàn, ổn định cho ngân sách Nhà nước. Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 49 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó nêu rõ phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước