12 nhóm ngành nghề “siêu hot” ở Việt Nam vào năm 2030

Theo NLĐ-Thứ hai, ngày 11/11/2024 15:17 GMT+7

Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip và chất bán dẫn tại Việt Nam đang cần rất lớn.

VTV.vn - Dựa trên xu hướng phát triển, sự đầu tư và nhu cầu con người, 12 nhóm ngành nghề được các chuyên gia dự đoán có triển vọng trong tương lai.

1. Ngành Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence

Trí tuệ nhân tạo (AI) Ngành nghề này sẽ nghiên cứu và tạo ra các hệ thống máy móc thông minh, và sử dụng chúng để thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người. Ngành này sẽ được chế tạo dựa trên việc sử dụng mô hình máy tính, các kỹ thuật và công nghệ liên quan.

Ngành trí tuệ nhân tạo hiện là một trong những công nghệ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà khoa học nghiên cứu trên thế giới. Trong thế giới hiện đại ngày nay, AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu cho cuộc sống con người.

Số lượng tuyển dụng cho vị trí này đã tăng 74% mỗi năm trong bốn năm qua. Báo cáo của Indeed cũng cho thấy, Kỹ sư máy học đứng đầu trong danh sách Top 25 công việc tốt nhất, với sự tăng trưởng 344% trong số lượng tin tuyển dụng gần đây. Mức lương cơ bản hàng năm khoảng 146.000 USD tại Mỹ.

2. Ngành Chip và Chất bán dẫn

Vai trò quan trọng của chip và chất bán dẫn hiện nay được xem là nền tảng của tính toán hiện đại; sự bùng nổ của hàng loạt công nghệ mới như AI, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… đang thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và dài hạn của ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị của ngành, công đoạn thiết kế mang lại giá trị gia tăng cao và có doanh thu lớn nhất.

Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp hơn. Việt Nam đang định hướng trong ngắn hạn tập trung phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn ở hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm định. Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip và chất bán dẫn tại Việt Nam đang rất lớn.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ đạt khoảng 20.000 người trong 5 năm tới và 50.000 người trong 10 năm tới, từ trình độ đại học trở lên.

Ngành công nghiệp chip bán dẫn đã phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, mang lại lợi nhuận hàng nghìn đỉ đô la cho nhiều quốc gia, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao lại đang thiếu trầm trọng. Thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn trong lĩnh vực này khi nhiều tập đoàn sản xuất chip lớn trên thế giới bắt đầu chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất.

Đây là cơ hội lớn cho sinh viên xác định và đón đầu xu hướng việc làm trong tương lai gần. Mức lương cơ bản hàng năm khoảng 132.000 USD tại Mỹ.

3. Ngành Phần mềm

Không phải ngẫu nhiên mà ngành kỹ thuật phần mềm lại luôn lọt vào top chuyên ngành "hot" nhất thuộc lĩnh vực IT. Hiện nay ngành kỹ thuật phần mềm đang trên đà phát triển và sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai, thế nên nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề này là rất lớn.

Các sinh viên theo học kỹ thuật phần mềm sau khi ra trường có thể dễ dàng tham gia vào các dự án vừa và lớn cho các doanh nghiệp. Hoặc tiếp tục học lên bậc cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ để mở ra nhiều cơ hội tốt hơn, hay đi theo con đường nghiên cứu khoa học để góp phần mang lại nhiều công nghệ phần mềm mới cho đất nước.

Trên thực tế có thể thấy mọi thứ mình tương tác trên điện thoại hoặc máy tính, từ ứng dụng tiện ích đến các trò chơi điện tử yêu thích đều là sản phẩm của các lập trình viên phần mềm.

Ngoài việc xây dựng phần mềm, lập trình viên còn chịu trách nhiệm cập nhật phiên bản, sửa lỗi, nâng cấp để sản phẩm càng trở nên tân tiến và thu hút nhiều người dùng hơn. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi các ngành phát triển phần mềm sẽ luôn có nhu cầu nhân lực lớn.

Hiện mức lương của ngành này đang thuộc vào hàng cao nhất nhì Việt Nam. Mức lương trung bình một kỹ sư phần mềm có thể nhận được dao động ở mức 13,4 - 16,1 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm.

4. Ngành Tâm lý

Cùng với sự phát triển của xã hội thì các vấn đề về tâm lý có xu hướng gia tăng và xuất hiện ngày nhiều. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của con người và gây ảnh hướng đến các hoạt động khác trong đời sống.

Do đó, mà tâm lý học tuy là một ngành còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng lại nhận được sự quan tâm của rất nhiều sinh viên khi lựa chọn ngành học.

Hơn nữa, đây không phải là ngành nghề có thể tự động hóa. Tưởng tượng xem, bạn sẽ thấy khó tìm được sự đồng cảm thật sự từ robot. Đó là lý do theo dự đoán đến năm 2030, tỉ lệ tăng trưởng dự kiến của ngành này là 22%, tập trung vào các mảng lạm dụng chất kích thích, rối loạn hành vi lo âu và tư vấn sức khỏe tâm thần.

Nhu cầu cần nhà tâm lý học, nhà trị liệu, cố vấn và nhân viên tâm lý xã hội cũng từ đó mà tăng lên.

5. Ngành Y tá - Điều dưỡng

Kinh tế phát triển kéo theo chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được người dân quan tâm đáng kể. Bên cạnh việc mở rộng các cơ sở y tế phục vụ người dân, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng đang trở nên ngày một nan giải.

Ở tương lai, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tăng lên, đặc biệt là mong muốn được săn sóc khi về già. Thế nên, nhân lực y tá - điều dưỡng trong các bệnh viện, viện dưỡng lão, phòng khám sẽ luôn có chiều hướng đi lên. Mức lương cơ bản hằng năm vào khoảng 129.667 USD tại Mỹ.

6. Ngành Phân tích dữ liệu

Ngành phân tích dữ liệu (Data Analysis) nổi lên như một trào lưu và đang có mức lương top đầu ở Việt Nam. Đây là một ngành đã bùng nổ mạnh trong thập kỷ qua. "Dữ liệu lớn" (Big data) không chỉ là khái niệm thông dụng, mà còn là lĩnh vực đang phát triển vượt trội, mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Ngành này quan trọng hơn bao giờ hết khi các công ty hiện nay rất cần người ở lĩnh vực này. Với sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội và kỷ nguyên công nghệ việc thu thập thông tin và dữ liệu ngày càng thiết yếu. Các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về thị trường tiêu thụ, các khách hàng và các đối thủ.

Bên cạnh lợi ích tiềm năng, ngành này cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ với các đơn vị. Chắt lọc thông tin, lưu giữ dữ liệu như thế nào để biến chúng trở nên giá trị.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động, trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2024, nhu cầu nhân lực liên quan đến nghiên cứu dữ liệu thị trường, trong đó có phân tích dữ liệu sẽ tăng thêm đến 19%. Điều này cho thấy cơ hội việc làm liên quan đến phân tích dữ liệu sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều trong thời gian tới.

7. Ngành An ninh mạng

Trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển, an ninh mạng trở thành một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Đây là ngành có xu hướng phát triển mạnh với sự gia tăng của các mối đe dọa mạng và nhu cầu bảo vệ dữ liệu ngày càng lớn, nhu cầu về các chuyên gia an ninh mạng sẽ tiếp tục tăng.

Thực tế, khi thế giới ngày càng phát triển thông tin số thì cũng là lúc vấn đề vi phạm và đánh cắp dữ liệu trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tin tặc làm lộ thông tin cá nhân và công ty để trục lợi về tài sản và cả tinh thần.

Theo các khảo sát gần đây, lương ngành an ninh mạng trung bình có thể dao động từ 30 triệu đến 60 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và vai trò công việc. Đối với các vị trí quản lý hoặc chuyên gia cao cấp, mức lương có thể lên đến 100 triệu đồng hoặc hơn mỗi tháng.

Mức lương này không chỉ phản ánh sự đánh giá cao của xã hội đối với những chuyên gia trong lĩnh vực này mà còn cho thấy mức độ phát triển của ngành. Trong những năm tới, an ninh mạng sẽ tiếp tục phát triển với nhiều xu hướng nổi bật, đòi hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực này phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng.

8. Ngành Năng lượng xanh

Năng lượng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu. Khi nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang chuyển hướng phát triển năng lượng sạch và bền vững.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quá trình chuyển dịch năng lượng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Đối mặt với biến đổi khí hậu và việc khan hiếm nhiên - nguyên liệu, nhu cầu thay thế bằng năng lượng sạch và xanh trên thế giới sẽ ngày càng gia tăng.

Ứng dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay phát triển ô tô điện mới, năng lượng thay thế và tái tạo... là những lĩnh vực rộng lớn với tiềm năng hầu như vô hạn chưa được khai thác hết. Vậy nên đây được cho là ngành của tương lai. Một trong những điều thú vị nhất là các công việc năng lượng thay thế là rất đa dạng trong lĩnh vực này: từ xây dựng đến kỹ thuật, lắp đặt hay nghiên cứu năng lượng thay thế.

Theo báo cáo, kỹ thuật viên tuabin gió là công việc phát triển nhanh nhất ở Mỹ và việc làm dự kiến sẽ tăng đáng kinh ngạc 108% vào năm 2024. Mức lương cơ bản hằng năm từ 65.201 USD tại Mỹ.

9. Ngành Tài chính và Công nghệ tài chính (Fintech)

Tài chính và công nghệ tài chính (Fintech) là một trong những ngành đang được đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh khi lựa chọn ngành học. Việc học tập và đào tạo chuyên sâu về Fintech sẽ giúp sinh viên có cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Hiện các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của Fintech gồm và liên quan đến thanh toán, cho vay số, đầu tư số, tiền số, bảo hiểm số và tư vấn tài chính số. Những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp này được phát triển trong hệ sinh thái Fintech với các chủ thể gồm Chính phủ, các định chế tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, các công ty phát triển công nghệ, và các công ty khởi nghiệp Fintech.

Trên thực tế, các ứng dụng ngân hàng đã dần thay thế các hình thức chuyển tiền mặt, thanh toán hóa đơn, thanh toán qua internet... Đời sống xã hội ngày càng hiện đại, con người càng mong muốn những dịch vụ công nghệ tiện lợi mang lại tiện ích và hiệu quả. Do đó, tiềm năng của ngành công nghệ tài chính và kinh doanh số trong tương lai là rất lớn.

10. Ngành Kiến trúc và Thiết kế đô thị thông minh

Theo sự phát triển của làn sóng số hóa 4.0, đô thị thông minh, thành phố thông minh đang trở thành xu hướng phát triển toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội việc là, mới. Với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của các thành phố, nhu cầu về xây dựng và thiết kế đô thị thông minh ngày càng tăng cao.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các thành phố thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường và tiện ích cho người dân.

Ngành khiến trúc và thiết kế đô thị thông minh không chỉ bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn tích hợp công nghệ tiên tiến để quản lý và vận hành các hệ thống giao thông, năng lượng, nước và thông tin liên lạc một cách hiệu quả. Điều này sẽ tạo ra môi trường sống tốt hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mức lương cơ bản hàng năm là khoảng 100.000 USD tại Mỹ.

11. Ngành Digital Marketing

Trong thế giới số hóa hiện nay, digital marketing đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất và có nhu cầu nhân lực cao nhất. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào việc xây dựng và duy trì sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ để tiếp cận khách hàng tiềm năng và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chuyên gia digital marketing đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiến lược tiếp thị trực tuyến, quảng cáo số, SEO, quản lý mạng xã hội và phân tích dữ liệu.

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng Digital Marketing của các doanh nghiệp. Theo dự báo của Statista (một nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng), thị trường Digital Marketing toàn cầu sẽ đạt giá trị 786,2 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng trung bình kép hàng năm (CAGR) là 9,1% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026. Mức lương cơ bản hàng năm khoảng từ 75.000 USD trở lên tại Mỹ.

12. Ngành Logistics

Trong nền kinh tế hiện đại, ngành Logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Logistics là lưu trữ, đóng gói, vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác nhằm cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách toàn vẹn nhất. Đây cũng là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng doanh nghiệp.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh chóng, hiệu quả trên toàn cầu đang tạo ra một lượng lớn cơ hội việc làm trong ngành logistics. Các chuyên gia logistics chịu trách nhiệm quản lý luồng hàng hóa, tối ưu hóa quá trình vận chuyển, lưu trữ và phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, đồng thời ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành Logistics, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước