Năm 2016 sẽ là 1 năm khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc đang đi ngược chiều gió và sự chòng trành là điều khó tránh khỏi. Công nhân trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất thép và than sẽ là những người cảm nhận rõ rệt nhất của tình thế bất ổn này. 1,8 triệu việc làm trong hai ngành thép và than sẽ bị cắt giảm, ngay trong những tuần tới bởi tình trạng dư thừa sản xuất.
Gia tăng tình trạng thất nghiệp chỉ là một trong số rất nhiều khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay, bên cạnh tốc độ tăng trưởng giảm sút, giá cả các mặt hàng công nghiệp giảm sút, lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân giảm sút và rất nhiều những rủi ro khác trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chứng khoán.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: "Trung Quốc trong năm nay sẽ đối diện thêm nhiều vấn đề và thách thức ghê gớm hơn trong việc phát triển, do vậy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cuộc chiến khó khăn này".
Lần đầu tiên, trong vòng 25 năm nay, Trung Quốc xác định giới hạn tăng trưởng từ 6,5-7%, thay vì một con số như các năm trước đây. Điều này củng cố thêm tình trạng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của nước này vẫn khẳng định, kinh tế Trung Quốc sẽ không hạ cánh như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế.
Ông Từ Thiệu Sử, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và phát triển Trung Quốc cho rằng: "Chúng tôi có đủ năng lực để giữ nền kinh tế Trung Quốc hoạt động trong một phạm vi hợp lý, chúng tôi có đủ tự tin vào triển vọng tăng trưởng. Và tôi có thể nói rằng, kinh tế Trung quốc sẽ không hạ cánh cứng".
Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi khó khăn từ mô hình tăng trưởng lối mòn phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng và dịch vụ được cho là chậm hơn nhưng mang tính bền vững hơn. Trung Quốc hy vọng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2017.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.