Đây là nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò không nhỏ khi luôn cố gắng đa dạng chủng loại và đột phá về chất lượng nông sản.
11 tấn, tương đương khoảng 21.000 con cua Cà Mau sẽ được Công ty CP thương mại và dịch vụ Vua Cua vận chuyển bằng máy bay sang Mỹ mỗi tuần. Sau đơn hàng xuất khẩu đầu tiên này, đối tác đã tăng sản lượng lên gấp 3 và đặt thêm các sản phẩm chế biến khác như tôm, ốc hương... Chế biến sẵn để đưa vào thị trường khó tính đã nâng cao được giá trị nông sản Việt.
"Với việc xuất khẩu cua đi Mỹ giúp tăng giá trị của con cua Cà Mau, giúp sản lượng tiêu thụ nhiều hơn. Trước đây, 1 con cua bán ở nhà hàng có giá 300.000 đồng/kg, sang Mỹ giá bán 1.300.000 đồng/kg", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc điều hành, Công ty CP thương mại và dịch vụ Vua Cua, chia sẻ.
Năm qua, Công ty Vina T&T Group đã có sự đột phá tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng 40% so với năm trước. Đó là do doanh nghiệp đã tận dụng được việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt bưởi da xanh vào thị trường Mỹ, New Zealand. Thâm nhập vào các thị trường khác với nhiều loại nông sản mới đã tạo cho doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc.
Năm 2023 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Bưởi da xanh lúc đầu được phép vào thị trường Mỹ, New Zealand vào cuối năm 2022. Năm 2023, chúng tôi chỉ nghĩ xuất khẩu dò đường, xuất khẩu cầm chừng để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Không ngờ người tiêu dùng đã chấp nhận bưởi da xanh và các đơn hàng đã tăng. Quý I, chúng tôi chỉ xuất 1 tuần 1 container, sang quý III quý IV, 1 tuần xuất được 3 - 4 container, tăng gấp 3 và 4 lần quý I", ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho hay.
Năm 2023 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm trước. Xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, doanh nghiệp tìm giải pháp để nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách là những điểm mới của xuất khẩu nông sản năm 2023.
Tăng mã số vùng trồng mở rộng xuất khẩu
Đóng góp vào thành tích xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp là sự tăng trưởng kỷ lục của ngành hàng rau quả, với con số gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước, thậm chí còn vượt mục tiêu của năm 2025.
Củng cố, gia tăng số lượng mã số vùng trồng sẽ tiếp tục là một trong những mục tiêu các doanh nghiệp, địa phương tiếp tục triển khai trong năm mới này để gia tăng sức cạnh tranh của rau quả Việt tại các thị trường hiện tại và chinh phục thêm nhiều thị trường mới.
Một vườn dừa tại huyện Châu Thành, Bến Tre, đang được nông dân trồng theo hướng hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nông dân cũng được hướng dẫn để làm mã vùng trồng đón đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhằm đa dạng hóa thị trường.
Còn vườn bưởi tại tại huyện Châu Thành cũng vừa có mã vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ, New Zealand. Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vừa giúp tạo nguồn nguyên liệu chuẩn, bền vững cho xuất khẩu, vừa giúp nông dân có thu nhập ổn định.
Đến nay, cả nước đã có gần 7.000 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu quả tươi. Với việc các địa phương đang tích cực mở rộng mã vùng trồng đi các thị trường, ngành hàng rau quả sẽ còn nhiều tiềm lực để bứt phá hơn nữa trong 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!