Cảng container quốc tế Cái Lân. Ảnh: TTXVN
Trong bản đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit thực hiện, xếp đầu bảng là cảng Yokohama của Nhật Bản và cảng King Abdullah của Saudi Arabia, các vị trí tiếp theo thuộc về các cảng của Trung Quốc gồm cảng Chiwa tại Quảng Đông, cảng Quảng Châu và cảng Cao Hùng tại Đài Loan.
Đáng chú ý, trong top 50 cảng hoạt động hiệu quả nhất có ba cảng của Việt Nam, gồm cảng Cái Lân tại Quảng Ninh xếp vị trí 46, cảng Hải Phòng chiếm vị trí 47 và Cái Mép tại Vũng Tàu đứng ở vị trí 49.
Báo cáo trên cho thấy các cảng ở châu Á, Trung Đông và Bắc Phi chiếm ưu thế trong 50 vị trí hàng đầu, trong khi chỉ có bốn cảng của Mỹ lọt vào danh sách 100 cảng hiệu quả nhất gồm: cảng Philadelphia (xếp vị trí thứ 83), cảng Virginia (xếp vị trí thứ 85), cảng New York & New Jersey (xếp vị trí thứ 89) và cảng Charleston, South Carolina (xếp vị trí thứ 95).
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động giao thương trên quy mô toàn cầu, gây xáo trộn thương mại và bộc lộ sự yếu kém trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo thống kê, Mỹ là quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới, khi nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.500 tỷ USD/năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đấu tranh để cấp nguồn quỹ hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng đang suy yếu trong đó có cả các cảng biển.
Mặc dù các cảng Los Angeles và Long Beach tại South California (Mỹ) là những cảng xử lý hàng hóa đường biển nhiều nhất trong số các cảng của Mỹ, song đây lại là các cảng hoạt động kém hiệu quả nhất trên thế giới.
Trong bảng xếp hạng của WB và IHS Markit, cảng Los Angeles xếp vị trí thứ 328, sau cả cảng Dar es Salaam của Tanzania, cảng Long Beach thậm chí còn xếp ở vị trí thấp hơn (333), sau cảng Nemrut Bay của Thổ Nhĩ Kỳ và Mombasa của Kenya.
Tổng số tàu đang chờ dỡ hàng bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach đã chạm mức kỷ lục là 100 chiếc vào đầu tuần này. Theo các chuyên gia, nhu cầu mua hàng hóa nhập khẩu của người Mỹ đã tăng đến mức mà cơ sở hạ tầng cung ứng của Mỹ không thể xử lý nổi và gây ra tình trạng chậm trễ giao hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!