3 kịch bản thiệt hại kinh tế từ xung đột tại Dải Gaza

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 20/10/2023 11:36 GMT+7

VTV.vn - Những kịch bản dự báo tác động kinh tế từ cuộc xung đột tại Dải Gaza tới tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đã được đưa ra.

Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát. Hiện nhiều cảnh báo đã được đưa ra liên quan đến nguy cơ xung đột có thể lan rộng tại Trung Đông - rốn dầu của thế giới. Rất nhanh chóng, nhiều kịch bản dự báo tác động kinh tế từ cuộc xung đột này tới tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đã được đưa ra.

Điểm chung của các dự báo này đó là rủi ro giá dầu tăng, lạm phát cao hơn và niềm tin bị ảnh hưởng… có nguy cơ làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Tại cuộc họp báo mới nhất, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva cho rằng, cuộc xung đột Hamas - Israel là "đám mây đen mới, phủ bóng triển vọng" của nền kinh tế toàn cầu.

Còn ông Jamie Dimon - CEO ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư: "Hiện tại có thể là thời kỳ nguy hiểm nhất mà thế giới phải đối mặt trong vài thập kỷ qua".

Ông cho rằng xung đột tại Ukraine và tại Dải Gaza có thể ảnh hưởng vượt xa hơn nữa lên thị trường năng lượng, lương thực, thương mại và địa chính trị toàn cầu.

3 kịch bản thiệt hại kinh tế từ xung đột tại Dải Gaza - Ảnh 1.

Xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá dầu tăng.

Có 3 kịch bản tác động kinh tế đã được các chuyên gia của Bloomberg Economics đưa ra. Kịch bản thứ nhất đó là xung đột mang tính giới hạn, hầu như không tác động gì. Giá dầu sẽ tăng 4 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu tăng 0,1 điểm %, còn GDP toàn cầu giảm 0,1 điểm %.

Kịch bản thứ hai đó là tác động cũng không đáng kể. Tuy nhiên với sự tham gia của các lực lượng ủy nhiệm, xung đột sẽ kéo dài hơn, lúc này giá dầu sẽ tăng khoảng 8 USD. Lạm phát thế giới tăng 0,2 điểm %. Chỉ số VIX hay còn gọi là chỉ số sợ hãi - đo lường biến động của thị trường từ 500 cổ phiếu nhất định sẽ tăng 8 điểm.

Kịch bản thứ ba - kịch bản xấu nhất, tức xung đột lan rộng toàn Trung Đông với sự tham gia của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, tác động sẽ rất lớn. Dầu tăng thêm 64 USD, tức lên mức 150 USD/thùng. Chỉ số VIX tăng 16 điểm, GDP toàn cầu bị thổi bay 1 điểm %. Đây sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình cuộc xung đột tại Dải Gaza, liệu nó có tác động tới thị trường dầu hay không, còn quá sớm để đánh giá. Chúng ta đã thấy giá dầu tăng giảm liên tục những ngày qua. Cần thêm thời gian để xem phản ứng của thị trường".

Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới cho biết: "Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nếu xung đột ngày càng lan rộng, khi đó thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động vô cùng vô cùng lớn".

Thị trường chuẩn bị cho sự biến động trước xung đột tại Dải Gaza

Giống như các xung đột ở Trung Đông trong quá khứ, xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham gia vào xung đột này.

Thị trường toàn cầu chuẩn bị đón nhận những tác động tiêu cực khi căng thẳng ở khu vực Trung Đông gia tăng. Các nhà đầu tư đang được cảnh báo rằng giờ có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới phải đối mặt trong vài thập kỷ qua.

Xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá dầu tăng. Thực tế giá dầu đã tăng 6% vào thứ 6, chỉ số S&P500 giảm 0,5% trong giao dịch cùng ngày. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng tăng cao nhất kể từ tháng 3. Giá vàng, giá đô la và trái phiếu kho bạc cũng tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn.

CNN nhận định, xung đột ở Trung Đông nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu vào tình trạng mất cân bằng và lạm phát cao. Các nhà kinh tế của Wells Fargo đánh giá, cuộc xung đột có thể là chất xúc tác cho quá trình phi toàn cầu hoá, mặc dù mức độ xảy ra vẫn chưa rõ ràng. Các quốc gia đã bắt đầu thiết lập các chính sách bảo hộ nhiều hơn để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Phản ứng của thị trường cho đến nay vẫn còn khiêm tốn khi cuộc xung đột mới bùng phát nhưng điều đó có thể thay đổi nếu cuộc xung đột tiếp tục lan rộng. Và đó có thể là cú sốc khác cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trang tin CTech ước tính, cuộc chiến ở Dải Gaza có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1.000 tỷ USD. Xung đột lan rộng, nguy cơ khiến giá dầu tăng từ 90 USD lên 150 USD/thùng, đẩy lạm phát cao hơn và cắt giảm tăng trưởng GDP toàn cầu. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là không ai biết cuộc xung đột này sẽ kéo dài bao lâu.

CNBC dẫn ý kiến chuyên gia rằng, với Israel nguy cơ suy thoái kinh tế là điều khó tránh. Chỉ chưa đầy 2 tuần, đồng Shekel của nước này đã giảm 4,8% so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Israel đang chịu áp lực kép trong việc kích thích kinh tế bằng việc giảm lãi suất, đồng thời phải nâng giá đồng nội tệ.

Báo chí Mỹ nhận định, căng thẳng địa chính trị khiến việc phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu sẽ là quá trình khó có thể đảo ngược. Theo IMF, hơn 80% nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với triển vọng tồi tệ hơn so với 15 năm trước.

Dự báo chính sách lãi suất khi xung đột lan rộng

Giá nhiên liệu thường liên hệ mật thiết tới tình hình lạm phát. Do vậy những dự đoán về phản ứng của các ngân hàng trung ương lớn trước bối cảnh xung đột tại Dải Gaza có thể khiến giá nhiên liệu leo thang cũng đã được đưa ra.

Theo tính toán, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong quý IV sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tới 0,9 điểm phần trăm, trong khi con số này tại EU và Anh là 0,4 điểm phần trăm.

Mỹ hiện đang đối mặt với nguy cơ "làn sóng lạm phát lần 2" trong bối cảnh CPI quý III có xu hướng tăng trở lại cùng với thời điểm giá dầu tăng cao

3 kịch bản thiệt hại kinh tế từ xung đột tại Dải Gaza - Ảnh 2.

Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng giá. Financial Times chỉ ra, mối tương quan giữa dầu và đồng USD đang thay đổi. Biểu đồ trên cho thấy, nếu như từ giai đoạn 2010 - 2020, đường màu hồng chỉ giá dầu khi tăng cao sẽ mất dần sức ảnh hưởng tới đồng USD - đường màu xanh hoặc ngược lại. Giờ 2 đường này đang chạy song song cùng chiều hoặc giảm hoặc cùng tăng.

Bộ yếu tố kết hợp giữa giá năng lượng cao, lãi suất cao và đồng USD mạnh hơn là điều mà nhiều quốc gia e ngại nhất vào lúc này. Điều đó đặc biệt đúng đối với các nhà nhập khẩu năng lượng ở châu Á - khu vực mà tốc độ tăng trưởng đang bị thách thức. Thực tế này buộc các ngân hàng trung ương khu vực đã và đang phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ như bán thêm trái phiếu để thu hút tiền mặt hay nâng lãi suất các khoản vay qua đêm.

Cuộc xung đột tại Dải Gaza xảy ra đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang trong trạng thái rất mong manh khi tăng trưởng GDP được IMF dự báo ở mức tương đối yếu trong trung hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước