3 tập đoàn ngoại muốn "rót" 3,7 tỷ USD vào Việt Nam

Thùy Linh-Thứ bảy, ngày 22/04/2023 17:16 GMT+7

Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị.

VTV.vn - Dù phải đối mặt với một số rào cản, nhưng Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư.

Việt Nam - ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4, tại Hà Nội, trên cơ sở chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.

Các dự án gồm: sản xuất công nghiệp nặng và logistics của nhà đầu tư Hàn Quốc, với số vốn dự kiến 1,6 tỷ USD; Sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo của nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức, với số vốn dự kiến 1,5 tỷ USD; Sản xuất trang thiết bị y tế của nhà đầu tư Nhật Bản, với số vốn dự kiến 600 triệu USD.

Tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nhận định, dù phải đối mặt với một số rào cản, nhưng Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư.

Ông Gabor Fluit khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

"Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh", Chủ tịch Eurocham khẳng định. 

3 tập đoàn ngoại muốn rót 3,7 tỷ USD vào Việt Nam - Ảnh 1.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nêu ý kiến tại Hội nghị.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Khảo sát của JETRO cho thấy, 47% doanh nghiệp được hỏi sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Tuy nhiên, đại diện Jetro phản ánh, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ là 47%. Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức. Các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.

"Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư, JETRO sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ví dụ như hợp tác với Denso, Nagase và Gakken… Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều hơn dòng vốn FDI vào các vùng như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương", ông Takeo Nakajima cho biết.

Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn và đầu tư mới nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và công ty tài chính, năng lượng.

Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Samsung đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như: Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Việt Nam sẽ có ưu đãi, hỗ trợ không liên quan đến thuế cho nhà đầu tư FDI

Kết luận Hội nghị gặp gỡ với các doanh nghiệp nước ngoài ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

3 tập đoàn ngoại muốn rót 3,7 tỷ USD vào Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị.

Các hỗ trợ có thể là: hỗ trợ liên quan đến đất đai, chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng… để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về các vấn đề khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có giải đáp về vấn đề lao động. 

Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan), thuốc, vật tư y tế (Bộ Y tế), năng lượng (quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp) (Bộ Công Thương), thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…

Thủ tướng nhấn mạnh, "Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam". Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước