Nằm trong vựa gạo lớn nhất cả nước, Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, tỉnh Đồng Tháp đã tìm cách tạo giá trị gia tăng cho hạt gạo, thay vì chỉ xuất thô. Các sản phẩm như bột gạo, bánh phồng tôm, bún, phở... đã có mặt trên 34 quốc gia trong đó có cả những thị trường mà hạt gạo Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng như châu Âu, hay Mỹ.
Chủ doanh nghiệp này, ông Phạm Thanh Bình - Tổng giám đốc, Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Bí quyết để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới là, chúng ta phải làm ra những sản phẩm có lợi thế, tất cả các sản phẩm từ gạo thì Việt Nam có truyền thống sản xuất từ lâu, đặc biệt như phở, hủ tiếu, bún gạo là những sản phẩm truyền thống của vùng nông nghiệp lúa nước”.
Với Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, những bộ phận chính của máy phát điện được công ty này nhập về từ châu Âu, chúng sẽ được lắp ráp với một số chi tiết sản xuất trong nước. Phần lập trình cũng do kỹ sư người Việt tiến hành, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm đạt trên 30%, do đó giá thành của máy phát điện cũng rẻ hơn ít nhất 30% so với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc, dù cùng đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Điều này mở ra cơ hội xuất ngược sản phẩm sang chính thị trường châu Âu.
Dù tỷ lệ xuất khẩu còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nhưng cũng thể hiện được phần nào sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt trong việc tạo lợi thế cạnh tranh, từng bước tìm chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!