Báo cáo iPrice (cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường khu vực ASEAN) cũng trùng khớp với nhận định của Google và quỹ đầu tư Temasek trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 11/2018, thương mại điện tử Việt Nam từ nay đến 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 43%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Những con số trong báo cáo của iPrice group là có cơ sở, bởi thực tế năm qua đánh dấu thêm một năm đại thành công cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam. Nếu Shopee và Lazada liên tục phá kỷ lục về doanh số sau các đợt khuyến mãi thì Tiki và Sendo cũng nhận được những khoảng đầu tư giá trị, mở đường cho các kế hoạch phát triển.
Cam kết giá rẻ hơn và có những đợt mua sắm sale khủng kéo dài để khách trải nghiệm lâu hơn là một số chiến lược đang được Shopee áp dụng thành công, theo đại diện doanh nghiệp này. Theo đó, lượng truy cập của Shopee những tháng cuối năm 2018 tăng lên gấp 3 - 5 lần so với thời điểm này của năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Shopee Việt Nam đã được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) bơm thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.
Trước sự bành trướng của đối thủ Shopee, tháng 3/2018, Tập đoàn Alibaba cũng quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh.
Sau 6 năm có mặt tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng Lazada luôn cao hơn mức 20 - 35% hàng năm - mức trung bình của thị trường.
Năm qua, Sendo đạt kỷ lục 5 triệu sản phẩm bán ra trong một tuần vào dịp Black Friday hồi tháng 11.
Với chiến lược kinh doanh hiệu quả, năm 2018, doanh thu của Thegioididong tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm của 2018, giá trị giao dịch của các nhà bán trên sàn Tiki cũng tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm 2017.
Mỗi trang thương mại điện tử đưa ra những chiến thuật khác nhau để cạnh tranh và đều mạnh tay chi cho các hoạt động quảng bá, hợp tác với người nổi tiếng... chờ đón 1 năm 2019 sôi động hơn nữa của thương mại điện tử Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!