6 điều khoản bất lợi trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ

PV-Thứ ba, ngày 08/08/2023 17:48 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

VTV.vn - Bộ Công Thương cho biết, có 6 nhóm điều khoản “không rõ ràng” trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, các tranh chấp, phản ánh, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay trên thị trường, không ít quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn về quyền lợi của khách hàng như chi phí nghỉ dưỡng thấp hơn nhiều so với khách vãng lai; dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao; khách hàng có quyền chuyển nhượng hợp đồng hoặc từng tuần kỳ nghỉ với lợi nhuận cao; khách hàng có thể nghỉ dưỡng tại dự án của công ty hoặc địa điểm khác trong và ngoài nước…

Tuy nhiên không ít trường hợp người dân tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ phản ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết trên thực tế không giống với thông tin quảng cáo, giới thiệu.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, với nhóm điều khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng, ngoài giá trị hợp đồng được thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách nghỉ dưỡng sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho công ty mỗi năm và hàng năm khoản phí thường niên theo quy định.

Bên cạnh đó, phần đóng góp theo tỷ lệ tương ứng của một khách nghỉ dưỡng sử dụng căn hộ nghỉ dưỡng lớn hơn sẽ được cân nhắc để thể hiện chi phí tăng kèm theo diện tích tăng lên; tiện ích sử dụng riêng tăng và khả năng đáp ứng số lượng khách nghỉ dưỡng sử dụng căn hộ nghỉ dưỡng tăng.

Ngoài ra, độc lập với khoản thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán phí duy trì hợp đồng hàng năm để phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng của khách hàng…

Theo các điều khoản nêu trong hợp đồng, có thể thấy, ngoài khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng (khoảng vài trăm triệu đồng), khách nghỉ dưỡng còn phải thanh toán chi phí hàng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Trong khi đó, khoản chi phí này và vấn đề có liên quan lại không được quy định cụ thể trong điều khoản.

Về chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, dù được quảng cáo vô cùng hấp dẫn với tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế 5 sao nhưng danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách nghỉ dưỡng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng.

Điều này khiến khách nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không tương xứng với chi phí thường niên, phí duy trì phải chi trả hoặc không đúng với kỳ vọng về địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng - mục đích xác lập hợp đồng ban đầu của bên mua.

Liên quan đến khả năng đầu tư sinh lời, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, việc chuyển nhượng gắn với điều kiện trả phí và phải được bên cung cấp dịch vụ đồng ý trước bằng văn bản.

Trong khi mức phí chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng cụ thể (để nhận được sự đồng ý bằng văn bản của doanh nghiệp) chưa được quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng mà thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp tại từng thời điểm.

Như vậy, tại thời điểm khách hàng phát sinh nhu cầu chuyển nhượng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tính toán một mức phí chuyển nhượng có lợi cho doanh nghiệp và đưa ra điều kiện chuyển nhượng khó khăn nhằm hạn chế việc chuyển nhượng của khách hàng.

Mặt khác, tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách nghỉ dưỡng không có cơ sở để đánh giá về hiệu quả thực hiện quyền trao đổi này trên thực tế. Cùng đó, do doanh nghiệp có toàn quyền lựa chọn đối tác liên kết và là giao dịch riêng nên không có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi lựa chọn đối tác liên kết thiếu năng lực, không đáp ứng được kỳ vọng của khách nghỉ dưỡng.

Với điều khoản "Doanh nghiệp có thể chuyển nhượng, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng này cho bất kỳ bên thứ ba nào với điều kiện không làm thay đổi điều khoản cơ bản của hợp đồng này. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới khách nghỉ dưỡng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển giao. Mặt khác, doanh nghiệp được giải phóng và miễn trừ toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ theo hoặc liên quan đến hợp đồng này sau thời điểm chuyển nhượng, chuyển giao…".

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, với nhóm điều khoản về chế tài xử lý vi phạm, khách nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài.

Xuất phát từ việc điều khoản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường phức tạp, khoản tiền phải thanh toán một lần lớn, thời hạn hợp đồng dài, cơ chế chấm dứt hợp đồng cho khách nghỉ dưỡng có thể không thuận lợi cùng nhiều hạn chế khác được quy định trong hợp đồng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người dân lưu ý nghiên cứu kỹ hợp đồng và đề nghị luật sư đánh giá toàn diện về quyền lợi, nghĩa vụ và rủi ro có thể xảy ra trước khi quyết định tham gia giao dịch.

Cẩn trọng với sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ” Cẩn trọng với sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ”

VTV.vn - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều khiếu nại về sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước