9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường”

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 21/06/2019 12:32 GMT+7

VTV.vn - 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm đã cam kết như vậy trong buổi lễ ra mắt Tổ chức tái chế Bao bì Việt Nam.

Ngày 21/6, tại TP.HCM, đã diễn ra buổi lễ ký kết thành lập liên minh mang tên Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Liên minh này bao gồm 9 doanh nghiệp: Coca Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, Lavie, Nestle, Nutifood, Suntory-PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và URC Việt Nam.

Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm với hàng triệu người tiêu dùng. Nguồn rác thải từ sản phẩm của các doanh nghiệp này như sữa hộp, lon nước ngọt, chai nhựa… góp một phần không nhỏ vào gánh nặng rác thải đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trong đó, mối nguy hại lớn nhất chính là rác thải nhựa, chiếm gần 40% trong tổng số rác thải bao bì hiện nay.

Tại buổi lễ ký kết, các thành viên của tổ chức khẳng định mục tiêu vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ tại Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 1.

9 Tổng giám đốc của 9 doanh nghiệp đầu ngành đồ uống và thực phẩm trong buổi ra mắt Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam - Ảnh: Gia Long

PRO Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào?

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải rắn thải ra tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% từ 11.6 triệu tấn năm 2016 lên 15.9 triệu tấn năm 2030. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam đang đứng thứ 4 về tốc độ tăng trưởng lượng chất thải rắn. Riêng về nguồn rác thải nhựa, Việt Nam hiện "đứng chung" danh sách các quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới cùng với Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Rác thải bao bì nói chung và rác thải nhựa nói riêng hiện đang được tái chế với tỉ lệ rất thấp, dưới 10%. Số còn lại đang được xử lý theo công nghệ chôn lấp hoặc bị thải trực tiếp ra môi trường.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 2.

Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang bức tử các bãi biển ở Việt Nam - Ảnh: Minh Sơn

Trong khi đó, ngành công nghiệp tái chế nhựa và giấy tại Việt Nam, theo một số liệu từ Bộ Công Thương, hiện đang phụ thuộc vào lượng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể, năm 2018, 80% lượng phế liệu nhựa để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam là nguồn nhập khẩu từ các nước G7, tương đương với 254.000 tấn. Con số này là 2,1 triệu tấn - tương đương 57% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế giấy.

Nghịch lý này khiến các thành viên sáng lập của PRO Việt Nam nghĩ đến giải pháp làm sao vừa chống lãng phí rác vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải không được xử lý gây ra.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 3.

Việt Nam phải bỏ ra 43 triệu USD để nhập khẩu phế liệu phục vụ cho ngành tái chế nhựa trong nước.Trong khi đó lại để lãng phí nguồn rác thải do chưa có hệ thống thu gom và tái chế phát triển

“Ngành bao bì tại Việt Nam ngày nay dựa hầu hết vào mô hình kinh tế tuyến tính, có nghĩa là sản xuất bao bì từ nguyên liệu thô, qua tiêu dùng và sau đó bao bì thải ra bãi rác tập trung và có thể bị thải ra môi trường. Chúng tôi hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì vào năm 2030, theo đó sẽ hợp tác với ngành công nghiệp tái chế thông qua việc tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát để tăng nguồn rác thải được thu gom và tái chế” - ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch của PRO Vietnam, chia sẻ về ý tưởng của tổ chức này.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 4.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai phát biểu tại buổi lễ ra mắt Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam - Ảnh: Gia Long

Nói thêm về cách thức hoạt động của PRO Việt Nam, ông Uday Shankar Sinha, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, Pro Việt Nam sẽ dành một quỹ để trả nhiều tiền hơn cho các lực lượng thu gom rác thải nhằm đảm bảo cho việc rác thải được thu gom nhiều nhất có thể.

"Không chỉ với đơn vị thu gom mà chúng tôi sẽ trả thêm cho những người mua vì những đơn vị thu gom phế liệu sẽ bán chúng cho người khác, thường là cơ sở thu gom phế liệu. Cơ sở thu gom phế liệu cũng cần được khuyến khích để thu gom nhiều hơn và chuyển đến cho đơn vị tái chế" - ông Uday nói.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 5.

Ông Uday Shankar Sinha, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng PRO Việt Nam sẽ dành quỹ hỗ trợ cho những người thu gom và tái chế tại Việt Nam - Ảnh: Gia Long

Đại diện Pro Việt Nam cho biết, thời gian đầu, tổ chức sẽ bắt đầu thu gom với một số loại rác thải như thùng nước, chai PET, lon nhôm vì những vật liệu này dễ thu gom hơn. Mô hình cũng sẽ áp dụng thí điểm tại một hoặc hai thành phố điển hình, sau khi thành công mới nhân rộng ra cả nước.

Năm đầu tiên chúng tôi sẽ thử nghiệm và căn cứ vào kết quả đạt được, chúng tôi sẽ đề ra mục tiêu cho những năm sau. Những sáng kiến tương tự dự án PRO Việt Nam đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới với tỷ lệ thu gom và tái chế rác thải đều tăng từ 3 đến 4% năm. Ví dụ như ở Mexico, khi mới bắt đầu chương trình, tỷ lệ thu gom và tái chế tại nước này rất thấp, khoảng 15%. Giờ con số đó tăng lên tới 65% sau 15 năm. Chúng tôi hy vọng kết quả tương tự sẽ đạt được ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới" - ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH La Vie Việt Nam, thành viên sáng lập PRO Việt Nam cho biết.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 6.

9 đại diện từ các doanh nghiệp ký thỏa thuận thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam - Ảnh Gia Long

Ngoài việc tác động vào hoạt động của các bên thu gom và tái chế, PRO Việt Nam cũng dành ngân sách cho việc đẩy mạnh truyền thông nhận thức cho người tiêu dùng trong việc phân loại rác tại nguồn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ thu gom và tái chế rác thải.

"Để tái chế hiệu quả, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng nếu không có ai sử dụng cơ sở hạ tầng, thì điều đó sẽ không hiệu quả. Vì vậy chúng tôi sẽ dành nhiều chương trình để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, để họ hiểu rằng, với bất cứ sản phẩm nào họ dùng hết, sẽ luôn có cách để tái sử dụng và cho chúng một vòng đời mới thay vì để chúng gây ô nhiễm môi trường" - ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Công ty Tetra Park Việt Nam  nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm bán ra thị trường” - Ảnh 7.

Ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Công ty Tetra Park Việt Nam cho biết, một trong những hoạt động chính của Pro Việt Nam là nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thu gom và phân loại rác tại nguồn. - Ảnh: Gia Long

Các thành viên sáng lập PRO Việt Nam khẳng định, tổ chức tái chế bao bì sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 thành viên. Ông Ganesan Ampalavanar - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nói: "Chúng tôi hy vọng tất cả các công ty tại Việt Nam, không chỉ công ty đa quốc gia, công ty quy mô lớn mà thậm chỉ các công ty nhỏ nhất như cửa hiệu tạp hóa hay nhà hàng, cũng có thể tham gia vào chương trình này. Khi tất cả mọi người cùng tham gia, chúng ta sẽ tạo ra được một làn sóng lớn lan tỏa trong cộng đồng, từ đó xây dựng một Việt Nam sạch, xanh và đẹp".

Cũng trong ngày hôm nay, 21/6, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổ chức tái chế bao bì Việt Nam, trong thư Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến thành lập tổ chức này của các thành viên. 

"Tôi mong rằng PRO VIETNAM sẽ chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực, quyết tâm phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng, an toàn" - Thủ tướng viết trong thư. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước