ADB: Việt Nam chưa tận dụng hết lợi ích từ vốn FDI

Phương My - Nguyễn Phương (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 30/03/2016 23:15 GMT+7

Việt Nam cần gấp rút củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để nâng cao sức chống chịu khi kinh tế thế giới liên tục biến động.

VTV.vn - Vốn FDI được giải ngân ở mức cao nhất trong 10 năm qua là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên Việt Nam chưa tận dụng hết lợi ích từ vốn FDI.

Trong cuộc hội thảo do Ngân hàng ADB tổ chức sáng 30/3, ngân hàng này đã đưa ra dự báo rất khả quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, ở mức 6,7%, thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, ADB cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức lớn trong quá trình hội nhập.

“Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là trong việc tạo việc làm và thu hút nguồn vốn FDI”. Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á ADB nói.

Theo ADB, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được giải ngân ở mức cao nhất trong 10 năm qua, là một trong những động lực chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt quá kỳ vọng trong năm 2015. Thế nhưng ông Batten cũng nhận định, Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi ích từ vốn FDI.

“Xuất khẩu của Việt Nam tăng phần lớn là nhờ các doanh nghiệp FDI, còn sự xuất hiện của doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn còn rất thấp, chỉ bằng một nửa Thái Lan hay Malaysia. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị đầy đủ để phối hợp với doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên hiệu ứng tràn từ FDI là chưa đáng kể”. Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB:

Trước các hiệp định thương mại tự do mới, Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận chi phí điều chỉnh đáng kể: cạnh tranh nhiều hơn, các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo và dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế toàn cầu.

“Việt Nam là nước dễ bị ảnh hưởng về thương mại nhất trong khối ASEAN, khi các bạn hàng thương mại chủ yếu như Trung Quốc hay EU đều đang tăng trưởng chững lại. Nhất là khi các vùng đệm của kinh tế vĩ mô đều đang bị thu hẹp, như thặng dư cán cân vãng lai giảm, dự trữ ngoại hối thấp và nợ xấu vẫn còn cao”. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam nói.

ADB nhấn mạnh, trong ngắn hạn, Việt Nam cần gấp rút củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để nâng cao sức chống chịu khi kinh tế thế giới liên tục biến động. Còn về dài hạn, cần giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước