Việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có các động thái soạn thảo điều luật liên quan đến AI cho thấy sức nóng của ngành công nghệ này. Kể từ khi công ty OpenAI công bố ChatGPT vào tháng 11/2022, ngày càng nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới nhảy vào cuộc đua nhằm tung ra các sản phẩm AI tạo sinh mạnh mẽ hơn và thông minh hơn.
Đây rõ ràng là cơ hội gia tăng thu nhập cho những người biết tận dụng các lợi thế công nghệ mang lại, nhưng mặt khác cũng có nguy cơ tạo ra sự phân hóa ngày càng lớn trong xã hội.
Hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Alibaba đã cho ra mắt Tongyi Qianwen, mô hình ngôn ngữ lớn trí thông minh nhân tạo AI tương tự ChatGPT. Theo dự kiến, Alibaba sẽ tích hợp công cụ này vào mọi ứng dụng kinh doanh của tập đoàn trong tương lai gần, hỗ trợ người dùng tóm tắt các ghi chú của cuộc họp, viết thư điện tử, phác thảo đề xuất kinh doanh, tạo hình ảnh từ văn bản và đọc hiểu hình ảnh.
Alibaba là cái tên mới nhất trong làng công nghệ gia nhập cuộc đua AI tạo sinh sau OpenAI, Google, Baidu và nhiều tên tuổi khác. Cuộc cạnh tranh này hứa hẹn sẽ tạo ra các công cụ AI tạo sinh mạnh hơn và hữu ích hơn.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Adobe Stock)
Các chuyên gia cho rằng những người tận dụng được các thành tựu công nghệ mới sẽ chứng kiến thu nhập gia tăng đáng kể, tương tự như với sự phân chia kỹ thuật số lần đầu tiên.
"Chúng ta từng chứng kiến sự phân chia kỹ thuật số lần thứ nhất, khi có những người được tiếp cận sớm với Internet và băng thông rộng. Theo thời gian, khoảng cách đã được thu hẹp bởi vì các công nghệ này đã trở nên phổ biến hơn và rẻ hơn", ông Andreas Schleicher, Giám đốc cơ quan giáo dục, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết.
Theo ông Schleicher, sự bùng nổ của AI chính là sự phân chia kỹ thuật số lần thứ 2 và việc gia nhập sớm sẽ mang lại lợi thế đáng kể. Các nghiên cứu mới cho thấy AI có thể vượt qua 90% người trưởng thành tại nước OECD về khả năng đọc và 88% về số học.
"Sự phân chia kỹ thuật số lần thứ 2 đã bắt đầu và sẽ có tách biệt giữa những người có khả năng tiếp cận sớm, nắm vững thế giới kỹ thuật số và những người chậm chân. Việc thu hẹp khoảng cách của sự phân chia lần này sẽ khó khăn hơn, đặc biệt giữa các hệ thống giáo dục phát triển và kém phát triển hơn", ông Andreas Schleicher, Giám đốc cơ quan giáo dục, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhận định.
Theo ông Schleicher, những thanh niên trẻ tuổi đang gia nhập thị trường lao động cần được đào tạo để hiểu được các ý tưởng trong thế giới kỹ thuật số và các thuật toán để làm chủ các công nghệ mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!