Ảnh minh họa. (Nguồn: yourmiddleeast.com)
Bộ trưởng Thương mại tạm quyền Algeria Abdelmadjid Tebboune cho biết chính phủ nước này đã đề ra mục tiêu giảm kim ngạch nhập khẩu trong năm nay xuống còn 15 tỷ USD. Ông Tebboune nhấn mạnh, Algeria sẽ không thể bảo vệ được nền kinh tế nếu tiếp tục mở cửa nhập khẩu các hàng hóa không thiết yếu.
Năm 2016, cán cân thương mại của Algeria bị thâm hụt 17 tỷ USD do nhập các loại hàng hóa đã và có thể sản xuất được ở trong nước. Ông Tebboune cho rằng mức thâm hụt này là do Algeria đã cho phép nhập khẩu kẹo cao su, nước sốt cà chua, cải cay... trị giá tới 18 triệu USD.
Bên cạnh đó, Algeria cũng phải chi 30 triệu USD để nhập bánh quy, 75 triệu USD để nhập Chocolate và 11 triệu USD để nhập bột lương thực trong khi Algeria sản xuất được đủ số lượng đáp ứng nhu cầu trong nước. Ông Tebboune cho biết giá trị nhập khẩu các mặt hàng dư thừa trong năm 2016 lên tới 7,8 tỷ USD.
Theo ông Tebboune, đây là lý do Algeria thực hiện giấy phép nhập khẩu đối với các sản phẩm, ngoại trừ một số sản phẩm thiết yếu. Quy định giấy phép nhập khẩu không có nghĩa là cấm nhập khẩu, nhưng sẽ áp đặt kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và số lượng sản phẩm được đưa vào Algeria trong khuôn khổ tôn trọng các đối tác và phù hợp với những thỏa thuận thương mại nước này đã ký. Ông Tebboune cũng bảo đảm rằng sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường.
Ông Tebboune tuyên bố các giấy phép nhập khẩu năm 2016 đã hết hạn. Hàng hóa sẽ không được phép nhập khẩu cho đến khi có giấy phép mới, nhưng mặt hàng thiết yếu sẽ vẫn được nhập khẩu theo giấy phép cũ.
Chính phủ Algeria đang phối hợp với các cơ quan quốc tế nhằm kiểm soát giá và chất lượng hàng hóa từ nơi bán để có thể so sánh giá bán tại thị trường và sẽ thành lập một hệ thống kiểm soát hàng hóa trong nước.
Trong hai tháng đầu năm 2017, thâm hụt ngân sách của Algeria đã giảm 55%, từ 3,72 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,69 tỷ USD do nguồn thu ngoại tệ tăng nhờ giá dầu phục hồi. Năm 2016, thâm hụt thương mại của quốc gia Bắc Phi này lên tới 17,84 tỷ USD, so với mức 13,71 tỷ USD năm 2015, sau khi đã đạt thặng dư 4,306 tỷ USD năm 2014.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!