Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đang làm tăng thêm số lượng các đối tượng phải đóng thuế khi nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các nhân đang phát sinh doanh thu và thu nhập qua các nền tảng đó.
Sáng 13/5, tại Hội thảo "Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số", đại diện Tổng cục Thuế, cho biết, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, có hàng trăm nghìn người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Sự phát triển của nền kinh tế số cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành thuế trong việc quản lý.
Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”
Nếu chia trung bình số cán bộ thuế cho số người nộp thuế hiện nay thì mỗi cán bộ thuế đang phải quản lý khoảng hơn 700 người nộp thuế. Với con số này chắc chắn là cán bộ thuế sẽ không thể làm động tác thủ công để mà quản lý được. Tại hội thảo các đại biểu đều nhấn mạnh tới việc cần phải áp dụng quản lý thuế theo phương pháp rủi ro.
Hiểu đơn giản là cơ quan thuế sẽ phân loại các doanh nghiệp theo nhiều mức độ. Trong đó, những người nộp thuế có độ rủi ro cao như có dấu hiệu vi phạm về hoá đơn, không kê khai nộp thuế... thì sẽ được quản lý chặt hơn.
Để quản lý thuế theo phương pháp rủi ro thì ngành thuế cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, nhất là với việc kinh doanh trực tuyến được chia sẻ dữ liệu từ các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Chia sẻ dữ liệu để siết quản lý thuế kinh doanh qua mạng
Việc chia sẻ kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Công Thương… sẽ tạo ra một cơ ở dữ liệu lớn để làm cơ sở cho việc thu thuế. Với những trường hợp người bán hàng online dặn khi chuyển khoản đừng ghi nội dung gì cả, để tránh bị "truy vết" các giao dịch thì liệu có thực sự quản lý được hết hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử không?
Thực tế, hiện nay việc chuyển khoản dù có ghi hay không ghi nội dung cũng không còn quá quan trong nữa vì các dữ liệu về những tài khoản thanh toán của người bán hàng có lượng tiền ra vào lớn cũng được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế. Việc "ấn danh trốn thuế" không còn dễ dàng.
Sự phát triển của nền kinh tế số đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành thuế trong việc quản lý. Ảnh minh họa.
Nhiều năm kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nhưng từ năm ngoái đến nay, chị Lê Thị Hồng Vân (cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử tại TP Hà Nội) mới đi kê khai và nộp thuế bởi các sàn đã gửi thông tin doanh thu của chị cho cơ quan thuế.
"Bản thân tôi thì cũng có doanh thu trên 2 tỷ, không giấu được doanh thu ấy với thuế nên tôi đã chủ động để đi kê khai để sắp xếp được khoản tiền nộp cũng như là không bị phát sinh thêm khoản nộp phạt", chị Vân cho biết.
Cục Thuế Hà Nội hiện đã có cơ sở dữ liệu của 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân nhận tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… 4 tháng đầu năm nay đã xử lý thu thuế được 921 tổ chức, cá nhân, tăng hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội cho biết: "Qua việc chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06 thì cho thấy việc định danh cá nhân bây giờ rất chính xác. Do vậy, chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành liên quan mời các cá nhân này lên làm việc. Sau khi đó chính các các nhân này cũng thừa nhận các doanh thu, thu nhập và thậm chí có nhiều trường hợp còn kê khai bổ sung ngoài các dữ liệu mà cơ quan thuế đang quản lý".
Sau Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ và công cụ xác thực và quản lý thông qua mã định danh cá nhân tại Đề án 06, đến năm ngoái, ngành thuế đã có trong tay dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và hơn 121 triệu cá nhân.
Áp dụng quản lý thuế theo rủi ro
Để quản lý tốt hơn nữa trong bối cảnh cả kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đang bùng nổ thì cần phải có phương pháp quản lý thuế hiện đại.
Ông Trần Vũ Trung - Chủ nhiệm cao cấp, Công ty E&Y Việt Nam cho biết: "Chúng ta thu thập dữ liệu của người nộp thuế, ngoài dữ liệu về kế toán, tài chính thì còn thu thập thêm dữ liệu về giao dịch cũng như dữ liệu về hành vi của người nộp thuế. Sau quá trình thu thập đủ một vài năm thì chúng ta có thể tiến tới bài toán phân tích".
Bà Ngô Thị Thùy Linh - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế thông tin: "Chúng tôi đang phân làm 3 nhóm rủi ro, rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Chúng tôi sẽ xác định người nộp thuế theo mức tuân thủ khác nhau theo các nhóm: Tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!