Cần áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN
Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng và đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong toàn khu vực.
Cụ thế các doanh nghiệp cần đáp ứng 8 tiêu chuẩn du lịch ASEAN gồm: Khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE, thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng và dịch vụ spa.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hân Ly
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, những lợi ích khi ứng dụng mô hình của Tiêu chuẩn du lịch ASEAN, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách. Những quy định về an ninh, an toàn, vệ sinh và môi trường sẽ là cơ sở để du khách được bảo vệ và có trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Các doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn của ASEAN trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch, từ đó tạo sự tin tưởng cho khách du lịch.
Ông Đặng Phú Hiển Đạt, đại diện Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế AB Travel chia sẻ: "Với bộ tiêu chí này, các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ nhanh chóng xây dựng kế hoạch nâng cấp dịch vụ, cơ sở vật chất để tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực".
Việc ứng dụng mô hình du lịch ASEAN góp phần thúc đẩy phát triển toàn ngành du lịch, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Vụ phó Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2025 sẽ nằm trong top 3 Đông Nam Á, top 50 toàn cầu (quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới). Trên cơ sở đó, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 5,5 – 6 triệu lao động, tăng trưởng bình quân từ 12%-14%; phấn đấu đạt 1.150.000-1.200.000 buồng lưu trú, công suất sử dụng khoảng 60%/năm.
Do đó, việc phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững là sứ mệnh cần thiết thực hiện.
Doanh nghiệp muốn nhưng vẫn khó làm
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được bởi nhiều điểm đến du lịch chưa có nhà vệ sinh công cộng sạch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) không đạt chỉ tiêu khi mỗi làng phải có tối thiểu 5 người cung cấp homestay đã đăng ký nhưng hiện nay, có những bộ hồ sơ chỉ có 2-3 người cung cấp; việc sử dụng sản phẩm xanh còn chưa nhiều…
Điển hình ông Đặng Phú Hiển Đạt, đại diện Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế AB Travel nêu, vấn đề nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), nhà vệ sinh công cộng hiện có nhiều địa điểm du lịch Việt Nam khó đủ điều kiện để đạt được tiêu chuẩn du lịch ASEAN do số lượng quá nhiều.
Đối với hệ thống khách sạn, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện Việt Nam chỉ có 41 khách sạn được giải ASEAN Green Hotel (giải thưởng về khách sạn xanh) trong đó có một số khách sạn tại TP Hồ Chí Minh như: Chains Caravelle, Bến Thành (Rex), Đệ Nhất (First), Cửu Long (Majestic), Đồng Khởi (Grand), Kim Đô, Hoàn Cầu (Continental), Equatorial, Sheraton Saigon, Quê hương 4 (Liberty 4).
Khách sạn xanh theo tiêu chuẩn du lịch ASEAN vẫn nhiều doanh nghiệp chưa làm được.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc khách sạn Gold Lion chia sẻ: "Là khách sạn 2 sao tại TP Hồ Chí Minh với 9 nhân sự và 31 phòng, việc đạt được tiêu chuẩn khách sạn xanh theo tiêu chuẩn du lịch ASEAN là điều không dễ dàng. Nguyên nhân là do kinh phí để đào tạo lại nhân sự, nâng cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng cũng như sử dụng sản phẩm xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả".
Đã có sự chuẩn bị trước đó, Bà Trịnh Hứa Minh Trúc, Giám đốc điều hành Khách sạn La Đà Lạt cho biết, doanh nghiệp tự tin đạt 90% trong bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN nhờ sự chuẩn bị ngay từ khi xây dựng, thiết kế và định hình phong cách, chất lượng của khách sạn. Tuy nhiên, tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả với yêu cầu tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và trang thiết bị cho khách sạn để giảm tiêu thụ năng lượng công ty vẫn chưa đáp ứng được bởi thời tiết ẩm ướt, se lạnh của vùng đất Đà Lạt.
Do đó, doanh nghiệp tập trung thiết kế nhiều cửa sổ đón ánh sáng mặt trời, không sử dụng máy lạnh, xây dựng công viên, cây xanh được ưu tiên hàng đầu để tái tạo không khí ô nhiễm, phát triển hệ thống trồng rau sạch ở tầng thượng để cung cấp cho du khách đến nghĩ dưỡng để phù hợp với bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững một cách toàn diện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!