Thị trường khách sạn TP Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể trong năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Thị trường khách sạn TP Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể trong năm 2022, nhưng công suất và giá phòng trung bình vẫn thấp hơn mức trước dịch.
Theo dữ liệu từ Savills, trong năm 2022 công suất phòng khách sạn đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm so với năm 2021, nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019.
Giá phòng trung bình đạt 1,6 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 21% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 18% so với năm 2019; trong đó, phân khúc 5 sao cải thiện đáng kể nhất với giá phòng trung bình tăng 44%. Riêng quý IV/2022, công suất phòng đạt 62%, trong khi đó giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý III/2022.
Với nhiều tín hiệu tích cực, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục khôi phục mạnh mẽ hơn vào nửa sau năm 2023.
Cơ sở của nhận định trên là nửa sau năm 2023, nhiều thị trường trọng điểm nới lỏng chính sách phòng dịch để lượng khách quốc tế phục hồi trở lại giúp ngành dịch vụ phục hồi trở lại.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Nghiên cứu Thị Trường, Savills TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động ổn định trở lại và cải thiện nhờ khách quốc tế và khách công tác.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, doanh thu du lịch và lượng khách tăng theo năm. Dù TP Hồ Chí Minh có lượng khách du lịch cao nhất cả nước nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng trước dịch vào năm 2019. Năm 2022, TP Hồ Chí Minh đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng theo năm nhưng vẫn thấp hơn 59% so với năm 2019.
Lượng khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 167% so với năm 2021, nhưng thấp hơn 5% so với năm 2019. Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171% so với năm 2021 nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019.
Ngành du lịch của thành phố phục hồi chậm do phụ thuộc vào khách quốc tế và những hạn chế đối với chính sách thị thực - visa cũng như mất đi lượng du khách không nhỏ du khách đến từ Trung Quốc.
"Ước tính nguồn thu du lịch từ khách quốc tế tại Việt Nam hàng năm đóng góp ước tính 10% GDP. Do đó, sự gián đoạn của khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu du lịch và ngành dịch vụ nghỉ dưỡng, ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chúng tôi hy vọng vào nửa sau năm 2023, khi nhiều thị trường trọng điểm nới lỏng chính sách phòng dịch để lượng khách này phục hồi trở lại", ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế thị trường VinaCapital, cho hay.
Tín hiệu tích cực cho bất động sản lưu trú, nghỉ dưỡng tại TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng đến từ nửa sau 2023 khi chính phủ Trung Quốc từng bước gỡ các chính sách Zero COVID-19.
Đánh giá về xu hướng này, bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới và gỡ bỏ các quy định cách ly là một tín hiệu đáng mừng cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Dù vậy, họ sẽ không quay lại trong một sớm, một chiều mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhóm khách đầu tiên quay trở lại Việt Nam là những nhóm khách về công tác và công vụ (MICE).
Nhóm khách du lịch nghỉ dưỡng có độ trễ hơn vì cần có những đơn vị khác trong ngành như các công ty lữ hành du lịch, nhà hàng, khách sạn, các hãng hàng không khôi phục lại hoạt động kinh doanh về như trước dịch, khi đó họ mới quay trở lại.
Các chuyên gia khuyến nghị ngành khách sạn tại TP Hồ Chí Minh không nên chỉ trông đợi vào khách du lịch để cải thiện doanh thu, vì nhóm này cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như những diễn biến về kinh tế, chính trị. Do vậy ngành khách sạn cần có thêm những hoạt động như hội nghị, triển lãm, hội chợ quốc tế sẽ thu hút được nhiều nhóm khách đến Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!