Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh rao bán bất động sản - từ đất nền, nhà phố đến dự án chung cư để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 1,96% tổng dư nợ. Con số này không bao gồm các ngân hàng kiểm soát đặc biệt.
Đã có khoảng 247.000 tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý trong 10 tháng năm 2024, chủ yếu bằng hình thức khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro. Còn qua VAMC, mới mua nợ theo giá trị thị trường được 149 tỷ đồng dư nợ gốc. Các chuyên gia cho rằng, áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới, do những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: "Nợ xấu của ngân hàng sau một thời gian đã xử lý tương đối tốt, đã giảm đang đi đáng kể. Bây giờ đang có nguy cơ rất lớn, qua đại dịch COVID, qua rất nhiều lần cơ cấu lại khoản nợ và những khó khăn khách quan khác của nền kinh tế trong thời gian qua, nếu đến thời điểm chúng ta quay trở về chuẩn mực trước đây, không gia hạn, không điều chỉnh kỳ hạn, trở lại như cũ thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, con số đó sẽ tăng lên gấp vài lần".
Công tác xử lý nợ xấu cũng đang gặp những khó khăn nhất định
Các ngân hàng cho biết, công tác xử lý nợ xấu cũng đang gặp những khó khăn nhất định, khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực. Trước đó, Nghị quyết 42 trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo nợ xấu đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ.
Ông Trần Văn Luân - Phó Tổng Giám đốc thường trực PGBank chia sẻ: "Hiện tại, Nghị quyết 42 không hiệu lực thì việc xử lý nợ xấu của chúng ta phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, qua những biện pháp tố tụng, khởi kiện, thi hành án. Do đó, thời gian tương đối kéo dài. Đặc biệt, đối với nhiều khách hàng có sự hiểu biết về mặt pháp luật, thời gian rất lâu. Do đó, tôi đề nghị, cơ quan ban hành sớm nghiên cứu, có những quy định để hướng dẫn các ngân hàng có biện pháp để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn trong thời gian tới".
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn, thì con số này chiếm tới 3,28% tổng dư nợ. Do đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần sớm hoàn thiện quy định về xây dựng thị trường mua bán nợ lành mạnh, để thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường nhằm gia tăng thanh khoản cho các khoản nợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!