Tăng giá mạnh cùng nguồn cung hạn chế đang gây nhiều lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết tình trạng trên, các nhà nhập khẩu cũng kiến nghị việc dỡ bỏ thuế tự vệ - được áp dụng từ năm 2018 - đối với mặt hàng phân DAP. Tuy nhiên, trong văn vản trà lời mới đây, Bộ Công thương cho rằng, vẫn quyết định giữ nguyên việc áp thuế đối với phân bón nhập khẩu.
Cước tàu và container tăng cộng với giá phân bón thế giới cũng tăng mạnh từ giữa năm 2020 là 2 nguyên nhân khách quan tác động đến giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị nhập khẩu- còn có 1 nguyên nhân nữa khiến tình hình căng thẳng - là việc áp thuế tự vệ. Thuế nhập khẩu và thuế tự vệ khiến giá phân bón chênh lệch hơn 1 triệu đồng mỗi tấn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc giảm nhập khẩu.
Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, cho biết: "Bởi vì giá thế giới đã lên, những nhà nhập khẩu cứ nhập khẩu và thêm thuế phòng vệ thì đưa ra giá bán rất cao và có nguy cơ không có lợi nhuận thì sẽ không có nhập khẩu. Không có nhập khẩu, nguồn cung thiếu nên giá không kiểm soát được. Tồn kho trong nước với hàng nhập khẩu gần như bằng 0".
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ DAP năm nay sẽ tăng khoảng 12%. Với việc công suất các nhà máy DAP trong nước chỉ đáp ứng được 30-35%, doanh nghiệp nhập khẩu cũng kiến nghị hủy bỏ biện pháp tự vệ. Điều này lý giải để tránh ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón cho rằng hiện nay số liệu thị trường vẫn chưa được xác minh.
Về vấn đề này, đại diện Cục phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng thuế tự vệ đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Đồng thời, thuế tự vệ chỉ chiếm tối đa khoảng 0,6% tổng chi phí của nông dân. Do vậy, việc có dỡ bỏ thuế tự vệ với mặt hàng phân bón DAP hay không sẽ phải được quyết định sau khi có các số liệu đầy đủ và khách quan về thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!