ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/11/2023 12:25 GMT+7

VTV.vn -ASEAN giữ vững ngôi vị là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại 10 tháng đạt hơn 720 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này.

Nhập khẩu Trung Quốc tăng vượt dự kiến

Trung Quốc ngày 7/11 vừa công bố các số liệu thương mại tháng 10. Trong đó, một thông tin nhận được nhiều sự chú ý là hoạt động nhập khẩu của nước này bất ngờ tăng vượt dự kiến, qua đó chấm dứt chuỗi 11 tháng suy giảm liên tiếp.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 10 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 218 tỷ USD.

Những tác nhân chính đóng góp vào sự gia tăng trong nhập khẩu bao gồm các sản phẩm năng lượng và khoáng sản. Trong đó, cả lượng dầu thô, khí đốt và đồng nhập khẩu đều đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm 2022.

Các mặt hàng linh kiện điện tử sử dụng trong sản xuất và nông sản cũng đạt kết quả tích cực. Lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã đạt mức tăng theo năm là 25%, trong khi một nông sản khác là lúa mì được kỳ vọng sẽ đạt mức cao kỷ lục về nhập khẩu trong năm nay.

"Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phục hồi và chuyển biến tốt hơn, mang lại không gian thị trường lớn hơn cho các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Trong tháng 10, nhập khẩu các sản phẩm năng lượng và khoáng sản tăng một cách vững chắc", ông Lyu Daliang, Vụ trưởng Vụ Thống kê và Phân tích, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đánh giá.

ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh: Xinhua)

"Trong 3 quý đầu năm nay, chỉ riêng Thượng Hải đã nhập khẩu lượng thực phẩm trị giá 156,9 tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các kênh và chủng loại nhập khẩu thực phẩm đều cho thấy xu hướng phát triển đa dạng", ông Fan Jun, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Hải quan Thượng Hải, cho biết.

Tín hiệu nhu cầu nội địa Trung Quốc phục hồi

Trong bối cảnh xuất khẩu Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, suy giảm tới 6,4% do nhu cầu yếu của thị trường quốc tế, sự phục hồi của nhập khẩu được nhìn nhận khá tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường nội địa đang dần phục hồi.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu tháng 10 tính theo đồng Nhân dân tệ tăng đến 6,4%, còn tính theo đồng USD tăng 3%. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước tăng.

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế số 2 thế giới là sự phục hồi tiêu dùng trong nước, du lịch nội địa. Đó là kết quả của một loạt biện pháp kích cầu có trọng điểm hàng tiêu dùng, hàng công nghệ, ô tô; song song đó là kéo dài thời gian miễn thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, người dân; tổ chức hàng loạt hội chợ, đẩy mạnh kinh tế đêm.

Tháng 10 cũng có đến 8 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và Tết Trung thu với nhiều kỷ lục về mua sắm, đi lại, du lịch. Gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép các tỉnh, thành phát hành trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Lãi suất cho vay trung hạn mua nhà, cho doanh nghiệp vay đã tiệm cận mức thấp nhất hàng đầu từ trước đến nay nhằm hỗ trợ đà phục hồi.

Triển vọng khả quan cho hàng nhập khẩu từ ASEAN

Việc nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc gia tăng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các đối tác thương mại, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thống kê cho thấy, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, vượt trội so với nhiều khu vực khác.

Nhập khẩu trong tháng 10 của Trung Quốc từ đối tác thương mại số 2 là châu Âu tăng hơn 5%, đối tác số 3 là Mỹ giảm 3,7%. Nhập khẩu từ đối tác thương mại số 1 là ASEAN tăng đến 10,2%.

ASEAN giữ vững ngôi vị là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại 10 tháng lên đến hơn 720 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Xu thế các nền kinh tế lớn trong cạnh tranh chiến lược ngày càng rõ là tăng cường trao đổi thương mại với các Quốc gia láng giềng và nội khối.

ASEAN càng có lợi thế, bởi các hiệp định thuế quan giữa Trung Quốc - ASEAN cũng như hầu hết đều là thành viên cùng Trung Quốc trong khối RCEP.

Việt Nam là đối tác thương mại số 1 của ASEAN với Trung Quốc đang tận dụng thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Sầu riêng lập kỷ lục, 10 tháng đã xuất 1,7 tỷ USD.

Theo số liệu của Hải quan Nam Ninh, chỉ riêng các cửa khẩu ở Quảng Tây, nhập khẩu nông sản Việt Nam 3 quý đầu năm nay tăng hơn 77%. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc nhanh hơn nên Việt Nam đang có nhiều lợi thế so với các đối thủ khác.

Trung Quốc cam kết mở rộng thị trường nhập khẩu

Cơ hội cho ASEAN trong đó có Việt Nam, hay các đối tác thương mại khác sẽ còn lớn hơn nữa, bởi giới chức Trung Quốc cũng đang thể hiện mong muốn tăng cường hoạt động nhập khẩu, từ đó thu hút đầu tư và thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa tại nước này.

Phát biểu trong Hội chợ triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) đang diễn ra tại Thượng Hải, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết sẽ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường nhập khẩu. Ông cũng cho biết, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc trong 5 năm tới có thể đạt giá trị tổng cộng 17.000 tỷ USD.

Trung Quốc tăng nhập khẩu - Cơ hội lớn cho Việt Nam Trung Quốc tăng nhập khẩu - Cơ hội lớn cho Việt Nam

VTV.vn - Nhập khẩu của Trung Quốc tháng 10 tăng mạnh, cao hơn so với dự báo của các tổ chức phương Tây. Đây cơ hội lớn cho các nền kinh tế xuất siêu mạnh ở ASEAN như Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước